ocean

Các nhà khoa học cho biết vùng nước nằm sâu quá 700m dưới đại dương đang ấm lên. Một nghiên cứu cho thấy khu vực cận nhiệt đới của Băc Đại Tây Dương đang phải gánh chịu khoảng 62% lượng nước bị ấm lên của Trái Đất trong giai đoạn từ năm 1850 tới năm 2018.

 

Vùng biển sâu lưu trữ lượng nhiệt sinh ra từ sự nóng lên của Trái Đất

Các đại dương trên Trái Đất đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt của việc nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Vào ngày 17 tháng 5 năm 2022, các nhà khoa học đã thông báo rằng phần lớn lượng nhiệt dư thừa trên hành tinh của chúng ta được lưu trữ dưới vùng biển sâu cận nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương.

Marie-José Messias thuộc Đại học Exeter (Anh) và Herlé Mercier thuộc Đại học Brest (Pháp) cho biết rằng chính vùng biển ở khoảng 25 độ vĩ Bắc này đã lưu trữ được 62% lượng nhiệt do sự nóng lên toàn cầu gây ra từ năm 1850 cho tới năm 2018. Đồng thời, Messias và Mercier cũng ước tính rằng nhiệt độ của vùng biển sâu này sẽ tăng thêm 0,36 độ F (0,2 độ C) trong 50 năm tới.

Hai nhà nghiên cứu này đã công bố phát hiện của mình trên Communications Earth and Environment (một loại tạp chí chuyên xuất bản các bài nghiên cứu, bài báo, bài tường thuật được đánh giá cao về tất cả lĩnh vực liên quan tới Trái Đất, khoa học môi trường và hành tinh) vào ngày 17 tháng 5 năm 2022.

Hậu quả của một đại dương đang ấm lên

Hai nhà nghiên cứu này cho biết rằng việc nước biển ấm lên có thể gây ra một loạt hậu quả như mực nước biển dâng cao, hệ sinh thái, các dòng chảy, phản ứng hóa học cũng như quá trình khử oxy sẽ thay đổi. Messias cho biết:

“Trước sự nóng lên của hành tinh chúng ta thì điều quan trọng cần làm là phải tìm hiểu xem lượng nhiệt dư thừa được hấp thụ đó đã phân bố như thế nào từ bề mặt tới đáy đại dương và ngoài ra cũng cần phải chú ý tới vùng biển sâu này để có thể đánh giá được quá trình “mất cân bằng năng lượng” của Trái Đất. Cùng với việc phát hiện vùng biển sâu đang lưu trữ phần lớn nhiệt lượng dư thừa thì nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy cách mà các dòng biển tái phân bố nhiệt cho những nơi khác nhau. Chúng tôi nhận thấy rằng chính sự tái phân bố này là nguyên nhân chính gây ra sự ấm lên ở khu vực Bắc Đại Tây Dương.”

 

Chuyển động của đại dương

Messias và Mercier đã nghiên cứu các dòng biển chảy ngược chiều kinh tuyến ở Đại Tây Dương (viết tắt là AMOC). AMOC là một hệ thống các dòng biển hoạt động giống như một băng chuyền. Hệ thống này vận chuyển lượng nước ấm từ các vùng nhiệt đới lên khu vực Bắc Đại Tây Dương. Tại đây, phần nước dày đặc, lạnh hơn sẽ chìm và chảy xuống phía nam của đáy biển này.

Vậy điều gì tạo thành một “đại dương sâu thẳm”? Đó chính là vùng nước ở độ sâu 700m phía dưới bề mặt hoặc khoảng nửa dặm (800m) trở xuống.

Lượng nhiệt từ Nam bán cầu đang góp phần làm ấm khu vực Bắc Đại Tây Dương. Hai nhà nghiên cứu cho biết hiện lượng nhiệt này đã chiếm khoảng 1/4 lượng nhiệt dư thừa ở vùng biển sâu Bắc Đại Tây Dương. Ngoài ra, họ đã sử dụng các bản ghi nhiệt độ và “chất đánh dấu” hóa học để khám phá những thay đổi trong quá khứ của đại dương này thông qua các thành phần trong đó.

 

Đường viền màu đen biểu thị cho khu vực cận nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương. Các đường màu đỏ cho thấy các dòng biển trên bề mặt đang vận chuyển nhiệt về các cực. Các chấm màu vàng là những vị trí hình thành vùng nước sâu Bắc Đại Tây Dương và vùng nước đáy Nam Cực. Bản quyền hình ảnh: Đại học Exeter.

 

Kết luận: Các đại dương trên Trái Đất đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt của việc nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Các nhà nghiên cứu xác định rằng phần lớn lượng nhiệt dư thừa được lưu trữ trong các vùng biển sâu cận nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương.

Hồng Anh
Theo EarthSky