Sun

Sợi tối (hay sợi Mặt Trời - những đường sẫm màu xuất hiện ở những khu vực có từ trường mạnh trên bề mặt của Mặt Trời) có độ sâu ít nhất 12.400 dặm (20.000 km) và có chiều dài gấp 10 lần khoảng cách như thế.

Các sợi plasma thoát ra từ một hẻm núi lửa hoạt động trên bề mặt của Mặt Trời vào Chủ nhật (ngày 3 tháng 4) đã làm giải phóng những luồng gió Mặt Trời (dòng hạt mang điện giải phóng từ vùng thượng quyển của Mặt Trời) bị từ hóa mạnh mẽ, điều này có thể khiến cho hiện tượng cực quang xảy ra nhiều hơn trên Trái Đất vào cuối tuần này.

Theo Space Weather (một trang web về thời tiết không gian), “hẻm núi lửa” này có độ sâu ít nhất 12.400 dặm (20.000 km) và có chiều dài gấp 10 lần khoảng cách như thế.

Cục khí tượng của Vương quốc Anh đã xác nhận rằng có 2 vụ “phun trào sợi Mặt Trời” đã xảy ra ở phía nam của vùng trung tâm Mặt Trời. Các vệ tinh được thiết kế thăm dò ở dải bước sóng tử ngoại cực ngắn trong phổ điện từ (khoảng từ 10 tới 124 nm) và các kính thiên văn trên mặt đất được trang bị để quan sát ở các dải bước sóng hồng ngoại mang nhiệt đều có thể nhìn thấy các vụ phun trào đó.

Vụ phun trào sợi tối đầu tiên xảy ra vào Chủ nhật (ngày 3 tháng 4) lúc khoảng 11 giờ sáng EDT (tức 22 giờ theo múi giờ Việt Nam); lần tiếp theo sau đó đã xảy ra vào thứ Hai (ngày 4 tháng 4) lúc khoảng 5 giờ chiều EDT (tức 4 giờ sáng hôm sau đối với Việt Nam).

Cả hai vụ phun trào này đều đi kèm với những cơn phun trào nhật hoa (CME), làm đẩy các khí plasma tích điện ra khỏi vùng thượng quyển của Mặt Trời (tức nhật hoa của nó), Cục khí tượng nêu trên cho biết trong một tuyên bố. Khi một CME va chạm với Trái Đất thì nó có thể tàn phá từ trường của hành tinh chúng ta, gây ra một trận bão địa từ.

Các trận bão địa từ cực mạnh có thể phá vỡ các liên kết giữa vệ tinh và làm hỏng các thiết bị điện tử trên quỹ đạo. Trong một số trường hợp, những trận bão này thậm chí có thể làm nhiễu loạn mạng lưới điện trên mặt đất. Nhưng mặt khác, chúng lại thường mang tới cho những người quan sát bầu trời trên Trái Đất những màn trình diễn cực quang đầy cuốn hút.

CME có liên quan tới vụ phun trào vào hôm Chủ nhật đã va chạm với Trái Đất vào khoảng 10 giờ sáng EDT (tức 19 giờ ở Việt Nam) vào thứ Tư (ngày 6 tháng 4) và được cho rằng chỉ gây ra một trận bão địa từ nhẹ cấp G1 hoặc G2 trên thang 5 cấp. Các nhà dự báo thời tiết không gian vẫn chưa biết liệu CME được tạo ra từ vụ phun trào vào hôm thứ Hai có tấn công hành tinh của chúng ta hay không.

Dù sao đi nữa thì hiện tượng cực quang có thể sẽ xảy ra nhiều hơn trong những ngày tới, điều này giúp người quan sát trên Trái Đất có thể thấy được cực quang ở xa vùng cực hơn bình thường. Vì từ trường của Trái Đất yếu nhất là ở hai cực nên các hạt mang điện từ CME xâm nhập sâu hơn vào khí quyển của Trái Đất ở các khu vực đó. Sau đó, sự tương tác giữa các hạt năng lượng Mặt Trời và các hạt có trong khí quyển của Trái Đất sẽ tạo ra những luồng ánh sáng rực rỡ đầy màu sắc.

Theo cơ quan khí tượng trên, môi trường địa từ của Trái Đất có thể sẽ trở nên yên tĩnh hơn trong những ngày tới vì sự hoạt động dữ dội của các vết đen Mặt Trời (những vùng trên bề mặt Mặt Trời có hoạt động từ trường mạnh và tối hơn các vùng xung quanh) vừa gây ra một vụ nổ gần đây đã quay hướng khỏi vị trí về phía Trái Đất.

Nhìn chung, Mặt Trời hiện đang hoạt động tương đối yên ắng vì nó chỉ mới bắt đầu thức giấc gần đây từ khoảng thời gian cực tiểu Mặt Trời - một giai đoạn trong chu kỳ hoạt động 11 năm của nó mà hầu như không có bất kỳ vết đen nào. Hoạt động của Mặt Trời có thể sẽ tăng lên trong những năm tới, và các nhà khoa học dự đoán hoạt động này sẽ đạt tới đỉnh điểm vào khoảng năm 2025.

Hồng Anh
Theo Livescience