Proxima d

Cách chúng ta chỉ 4 năm ánh sáng là Alpha Centauri, hệ sao gần Hệ Mặt Trời nhất. Vào tháng 8 năm 2016, các nhà nghiên cứu đã công bố rằng họ cuối cùng đã tìm thấy một hành tinh chuyển động quanh sao Proxima Centauri - ngôi sao nhỏ nhất của hệ đó và cũng là ngôi sao gần chúng ta nhất. Tới tháng 1 năm 2020, các nhà thiên văn tiếp tục phát hiện ra hành tinh thứ hai của Proxima Centauri. Và giờ đây, gia đình này đã cho chúng ta biết thêm một thành viên nữa của nó: hành tinh thứ ba chuyển động quanh ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất.

 

Một bổ sung mới

Trong nghiên cứu được công bố ngày 10 tháng 2 vừa qua trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, các nhà thiên văn học đã công bố việc khám phá ra Proxima d. Hành tinh nhỏ bé này có khối lượng chỉ khoảng 1/4 Trái Đất của chúng ta. Nó chuyển động quanh sao mẹ Proxima Centauri với chu kỳ 5 ngày, ở khoảng cách 4 triệu km (tức là chưa tới 1/10 khoảng cách từ Mặt Trời tới Sao Thủy). Nhưng vì Proxima Centauri là một sao lùn đỏ với khối lượng chỉ bằng 12% còn đường kính thì 14% so với Mặt Trời của chúng ta, nên hành tinh này vẫn nằm trong vùng sống được của ngôi sao - nơi mà điều kiện vừa đủ để nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt của nó.

Proxima d được phát hiện ra nhờ phương pháp đo vận tốc xuyên tâm - phương pháp mà trong đó các nhà thiên văn quan sát cẩn thận một ngôi sao để phát hiện ra những dao động nhỏ về vị trí của nó được gây ra bởi lực hấp dẫn của một hành tinh khi hành tinh này chuyển động quanh ngôi sao. Đây cũng là phương pháp đã được sử dụng để phát hiện ra hai hành tinh trước đây của hệ này (Proxima b và c). Trên thực tế, Proxima d chính là hành tinh có khối lượng nhỏ nhất từng được phát hiện theo cách này cho tới hiện nay.

 

Phả hệ của Proxima

Trước phát hiện này, chúng ta đã biết những gì về hai hành tinh anh em của Proxima d?

Proxima b - hành tinh đầu tiên được phát hiện ở hệ này - có khối lượng tương tự Trái Đất của chúng ta và chuyển động quanh ngôi sao với chu kỳ 11,2 ngày ở khoảng cách 7 triệu km, tức là khoảng 5% khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Nhưng, như nói trên, vì Proxima Centauri nhỏ hơn Mặt Trời rất nhiều, nên quỹ đạo của Proxima b vẫn nằm trong vùng sống được.

Proxima c thì khác. Nó là một siêu Trái Đất (những hành tinh lớn hơn Trái Đất và nhỏ hơn Sao Hải Vương) có khối lượng gấp 6 lần hành tinh chúng ta và chu kỳ quỹ đạo 5,2 năm. Khoảng cách từ nó tới Proxima Centauri là 224 triệu km, tức là nằm rất xa bên ngoài vùng sống được của ngôi sao này.

 

Những thế giới mới

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra Proxima d nhờ công cụ quang phổ ESPRESSO (Viết tắt của "Echelle SPectrograph for Rocky Exoplanets and Stable Spectroscopic Observations" thuộc đài quan sát VLT của ESO đặt ở Chile. Tới nay, thiết bị này đã thể hiện được khả năng nổi bật của mình. Các nhà thiên văn học hi vọng rằng có thể tiếp tục sử dụng nó để khám phá thêm nhiều thế giới mới, những hành tinh đất đá như hành tinh của chúng ta ở gần cũng như ở xa.

R.T
Theo Astronomy

*Hình ảnh mà bạn thấy ở đầu bài viết này chỉ là hình vẽ minh họa trên máy tính của họa sĩ. Nguồn: ESO.