GLEAM

Các nhà thiên văn đã phát hiện một vật thể nhấp nháy bí ẩn trong thiên hà của chúng ta, gửi một lượng năng lượng khổng lồ về phía Trái Đất mỗi giờ ba lần.

Vật thể đầy năng lượng kỳ lạ này nằm cách Mặt Trời khoảng 4000 năm ánh sáng. Nó không giống với bất cứ cấu trúc vũ trụ nào từng được thấy trước đây. Phát hiện này đã được các nhà nghiên cứu công bố hôm 26 tháng 1 vừa qua trên tạp chí Nature.

Vật thể này được đặt tên là GLEAM-X J162759.5-523504.3 (nhưng có thể gọi ngắn gọn là GLEAM). Nó xuất hiện một cách đầy bất ngờ trong dữ liệu khảo sát thiên hà Milky Way ở bước sóng vô tuyến. Theo các nhà nghiên cứu, GLEAM sáng rực lên một cách rất nhanh chóng, chỉ cần 60 giây để trở thành một trong những vật thể sáng nhất trên bầu trời, và sau đó bất ngờ mất hút vào bóng tối trở lại. Khoảng 20 phút sau đó, nó lại xuất hiện và đạt tới độ sáng cực đại trước khi lại mờ đi sau đó vài phút.

Những vật thể như thế này được các nhà khoa học gọi là những vật thể tạm thời (hay các "sao tạm"). Thông thường, sao tạm có thể là một supernova hoặc một sao neutron (hai giai đoạn khác nhau của một sao nặng khi chúng chết đi). Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì cả hai loại đó đều không giải thích được hành vi của vật thể mới được tìm thấy.

Có khả năng vật thể GLEAM đầy bí ẩn này là bằng chứng cho một loại vật thể dạng sao mới mà cho tới nay mới chỉ tồn tại trên lý thuyết, hay thậm chí có thể nó là thứ gì đó mà chính các nhà thiên văn cũng chưa từng nghĩ tới.

Trong tuyên bố của mình, tác giả chính của nghiên cứu là Natasha Hurley-Walker - nhà thiên văn vô tuyến ở Đại học Curtin, Bentley, Australia - cho biết: "Nó là một thứ thật sự ma quái đối với các thiên văn học, vì không thứ gì khác trên bầu trời giống như vậy."

 

Ánh sáng cuối cùng của một ngôi sao chết

Các sao tạm thường có hai loại. Loại chậm có thể xuất hiện trong nhiều ngày, và biến mất sau đó vài tháng. Các supernova là loại vật thể như vậy.

Bên cạnh đó, có những sao tạm nhanh, có thể "bật-tắt" chỉ trong vài mili-giây. Chúng thường là các pulsar - các sao neutron quay cực nhanh và phát ra bức xạ vô tuyến đều đặn mà chúng ta thu được.

Các tác giả của nghiên cứu tìm kiếm những sao tạm bằng kính thiên văn vô tuyến MWA (Murchison Widefield Array - Hệ thống kính trường rộng Murchison) đặt ở một khu vực hẻo lánh của Australia. Nhờ đó họ đã phát hiện ra GLEAM. Sự bật-tắt của nó quá nhanh để có thể là một supernova, nhưng lại quá chậm để có thể là pulsar. Viêc đó đòi hỏi một lời giải thích mới.

Việc phân tích vật thể này cho thấy nó cực sáng, nhưng nhỏ hơn Mặt Trời của chúng ta. Bức xạ vô tuyến của GLEAM cũng phân cực rất rõ nét (nghĩa là sóng của nó chỉ dao động trên một mặt phẳng), gợi ý rằng chúng được phát ra bởi một từ trường cực mạnh - các nhà nghiên cứu cho biết.

Những đặc điểm này khớp với một loại vật thể lý thuyết được các nhà thiên văn gọi là "sao từ chu kỳ cực dài" - về cơ bản là một sao neutron có mức độ từ hóa cực cao và quay vô cùng chậm. Mặc dù được dự đoán rằng có tồn tại, loại vật thể này hiếm tới mức nó chưa từng được quan sát thấy trước đây.

"Không ai trông đợi rằng sẽ phát hiện được vật thể này, vì chúng tôi không hề nghĩ nó sáng tới như vậy," Hurley-Walker nói. "Bằng cách nào đó nó đang chuyển hóa năng lượng từ thành sóng vô tuyến một cách hiệu quả hơn bất cứ thứ gì khác chúng tôi từng nhìn thấy."

Các nhà nghiên cứu cho biết còn có một cách giải thích khác đối với GLEAM. Nó có thể là một loại sao lùn trắng rất hiếm, phát ra bức xạ vô tuyến một cách rất hiếm hoi khi nó hút lấy vật chất từ một sao đồng hành. Một sao như vậy có thể tạo thành thứ giống như GLEAM nếu như nó quay với vận tốc chính xác như vậy.

Các quan sát trong tương lai ở những dải quang phổ điện từ khác là cần thiết để giải quyết bí ẩn này. Khi mà GLEAM đã được phát hiện, các nhà nghiên cứu cũng sẽ đào sâu hơn vào những quan sát được lưu trữ từ MWA để tìm xem liệu có vật thể nào tương tự như vậy nữa hay không.

Bryan
Theo Live Science.