Sao Kim có thể được coi là hành tinh song sinh ác quỷ của Trái Đất. Nó có khối lượng và kích thước tương đương với hành tinh của chúng ta, cũng bao gồm phần lớn là đất đá, chứa một ít nước và có bầu khí quyển. Tuy nhiên, quan sát kỹ hơn sẽ thấy các điểm khác biệt nổi bật giữa chúng: khí quyển Sao Kim dày đặc CO2, nhiệt độ, áp suất bề mặt khắc nghiệt, và các đám mây axit sulfuric thực sự trái ngược hoàn toàn với các điều kiện cần thiết cho sự sống trên Trái Đất.
Tuy nhiên, điều này có thể không phải lúc nào cũng đúng. Các nghiên cứu trước đây cho rằng Sao Kim có thể từng là một nơi hiếu khách hơn nhiều trong quá khứ, với các đại dương nước lỏng. Một nhóm các nhà vật lý thiên văn dẫn đầu bởi đại học Geneva (UNIGE) và trung tâm quốc gia về Năng lực Nghiên cứu (NCCR) PlanetS, Thụy Sĩ, đã điều tra xem hành tinh song sinh của chúng ta có thực sự từng có thời kỳ ôn hòa hơn hay không. Kết quả được công bố trên tạp chí Nature đã cho thấy không phải như vậy.
Sao Kim gần đây đã trở thành một chủ đề nghiên cứu quan trọng đối với các nhà vật lý thiên văn. Từ đầu năm tới nay, ESA và NASA đã quyết định sẽ gửi đi không dưới ba sứ mệnh thám hiểm không gian trong thập kỷ tới đến hành tinh này. Một trong những câu hỏi quan trọng mà các sứ mệnh này nhắm đến là: liệu Sao Kim có từng chứa các đại dương cổ đại hay không. Các nhà vật lý thiên văn dẫn đầu bởi Martin Turbet, nhà nghiên cứu thiên văn thuộc khoa Khoa học của UNIGE và là thành viên của NCCR PlanetS, đã cố gắng trả lời câu hỏi này bằng các công cụ có sẵn trên Trái Đất. Martin Turbet giải thích: “Chúng tôi đã mô phỏng khí hậu của Trái Đất và Sao Kim vào thời kỳ đầu quá trình tiến hóa của chúng, hơn 4 tỷ năm trước, khi bề mặt của các hành tinh vẫn còn đang nóng chảy".
Martin Turbet nói: “Nhờ các mô phỏng, chúng tôi có thể chứng minh rằng điều kiện khí hậu không cho phép hơi nước ngưng tụ trong bầu khí quyển của Sao Kim. Điều này có nghĩa là nhiệt độ không bao giờ đủ thấp để nước trong bầu khí quyển của nó tạo thành những hạt mưa rơi xuống bề mặt. Thay vào đó, nước vẫn tồn tại dưới dạng khí trong khí quyển và các đại dương đã không bao giờ được hình thành. Một trong những lý do chính cho điều này là do các đám mây hình thành ở phía mặt đêm của hành tinh”.
Sự khác biệt nhỏ nhưng hệ quả lớn
Đáng ngạc nhiên là mô phỏng của các nhà vật lý thiên văn cũng tiết lộ rằng Trái Đất đã có thể dễ dàng chịu chung số phận với Sao Kim. Nếu Trái Đất chỉ gần Mặt Trời hơn một chút, hoặc nếu Mặt Trời thời điểm đó tỏa sáng rực rỡ hơn, thì hành tinh quê hương của chúng ta ngày nay sẽ trông rất khác. Có khả năng bức xạ tương đối yếu của Mặt Trời trẻ đã cho phép Trái Đất nguội đi đủ để ngưng tụ nước tạo thành đại dương. Theo Emeline Bolmont, giáo sư tại UNIGE, thành viên của PlaneS và là đồng tác giả của nghiên cứu thì "Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn trong cách chúng ta nhìn vào cái mà lâu nay được gọi là 'nghịch lý Mặt Trời trẻ mờ nhạt'. Nó luôn được coi là một trở ngại lớn cho sự xuất hiện của sự sống trên Trái Đất". Lập luận là nếu bức xạ của Mặt Trời yếu hơn nhiều so với ngày nay, nó sẽ biến Trái Đất thành một quả cầu băng khắc nghiệt đối với sự sống. Nhà nghiên cứu tiếp tục: "Nhưng hóa ra đối với một Trái Đất trẻ và nóng, sự yếu ớt này của Mặt Trời trên thực tế có thể lại là một cơ hội cho sự sống”.
Đồng tác giả nghiên cứu là David Ehrenreich, giáo sư tại khoa Thiên văn của UNIGE và là thành viên của NCCR PlanetS, cho biết: “Kết quả của chúng tôi dựa trên các mô hình lý thuyết và là một nền tảng quan trọng trong việc trả lời câu hỏi về lịch sử của Sao Kim. Nhưng chúng tôi sẽ không thể đưa ra phán quyết dứt khoát về vấn đề này chỉ trên máy tính. Các quan sát thuộc ba sứ mệnh Sao Kim trong tương lai sẽ là điều cần thiết để xác nhận - hoặc bác bỏ - công việc của chúng tôi".
Minh Phương
Theo Science Daily