Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng lượng nước chứa trong bầu khí quyển của Sao Kim thấp đến mức ngay cả những vi khuẩn chịu hạn tốt nhất của Trái Đất cũng không có khả năng tồn tại ở đó. Phát hiện này dường như đã xóa sạch hy vọng của khám phá hồi năm ngoái về các phân tử có khả năng là được tạo ra bởi các sinh vật sống trong khí quyển nóng rực của hành tinh này, và được coi là một dấu hiệu về khả năng có tồn tại sự sống.
Nghiên cứu mới này quan sát kết quả đo từ các tàu thăm dò bay quanh bầu khí quyển Sao Kim và thu thập dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm lẫn áp suất bên trong những đám mây chứa đầy acid sulfuric bao quanh bề mặt hành tinh. Từ kết quả trên, các nhà khoa học có thể tính toán được một giá trị được gọi là mức hoạt động của nước, đó là áp suất hơi nước của từng phân tử riêng lẻ trong những đám mây, một trong số ít những cơ chế quyết định sự tồn tại của sự sống trên Trái Đất.
“Khi chúng tôi xem xét nồng độ cho phép của phân tử nước trong các đám mây, chúng tôi đã nhận thấy rằng nó thấp hơn hàng trăm lần mức để cho các thể sống bền vững nhất trên Trái Đất có thể sinh tồn được.” John Hallsworth, nhà vi sinh vật học thuộc Đại học Queen ở Belfast, Vương quốc Anh, đồng thời cũng là tác giả chính của bài báo, cho biết trong cuộc phỏng vấn vào thứ Năm (ngày 24 tháng 6). “Đó là một khoảng cách không thể vượt qua.”
Những phát hiện này có lẽ sẽ gây thất vọng cho cộng đồng nghiên cứu Sao Kim, khi họ vừa được tiếp thêm sinh lực vào tháng 9 năm ngoái nhờ việc tìm ra phosphine, một hợp chất hóa học giữa phosphor và hydro, bên trong bầu khí quyển của Sao Kim (ở Trái Đất, hợp chất này vốn được xác định là có liên quan tới sự sống). Tại thời điểm đó, các nhà nghiên cứu cho rằng lượng phosphine này có thể được sinh ra từ hoạt động sống của các vi sinh vật cư trú bên trong những đám mây.
Trên Trái Đất, vi sinh vật có thể tồn tại và sinh sản bên trong những giọt nhỏ chất lỏng từ bầu khí quyển, ở mức nhiệt độ cho phép. Tuy nhiên, nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu của một số tàu thăm dò Sao Kim, cho thấy rằng không có cơ hội cho bất kỳ sự sống nào xuất hiện ở đó.
“Các hệ sống, bao gồm cả vi sinh vật đều được cấu tạo phần lớn bởi nước. Nếu không được hydrat hóa, chúng không thể hoạt động được, và sẽ mất khả năng sinh sôi nảy nở,” Hallsworth cho biết.
Nghiên cứu về vi sinh vật sống trong trong những điều kiện cực đoan nhất trên Trái Đất cho thấy sự sống có thể tồn tại ở mức nhiệt âm 40 độ F (âm 40 độ C). Với mức hoạt động của nước, được chia thang đo giá trị từ 0 đến 1, mức thấp nhất cho phép sống sót là 0,585. Ở trong những đám mây Sao Kim, giá trị này chỉ là 0,004.
Nhà sinh vật thiên văn Chris Mckay thuộc trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, đồng tác giả của bài báo, đã trả lời trong một cuộc họp báo rằng những phát hiện của nghiên cứu này mang tính chất quyết định và một loạt những nhiệm vụ không gian đang được chuẩn bị vẫn sẽ không thay đổi được hy vọng về việc tìm thấy sự sống trên hành tinh láng giềng gần chúng ta nhất.
“Chúng tôi kết luận dựa trên các phép đo,” McKay nói trong cuộc họp báo. “Đó không phải là một mô hình, cũng không phải một giả định. Các nhiệm vụ mới của NASA trên Sao Kim cũng sẽ tiếp tục thực hiện những phép đo tương tự - về nhiệt độ, về áp suất – và họ sẽ sớm đi tới kết luận tương tự, bởi vì Sao Kim gần như không thay đổi gì nhiều qua thời gian.”
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét dữ liệu từ những hành tinh khác và tìm ra rằng những đám mây của Sao Mộc trên lý thuyết có thể cung cấp đủ nước để hỗ trợ sự sống. Dữ liệu thu thập được từ tàu thăm dò Galileo ở độ cao 26 đến 42 dặm (42 đến 68 km) phía trên bề mặt hành tinh hành tinh khí khổng lồ này phỏng đoán mức hoạt động của nước xấp xỉ 0,585, ngay trên ngưỡng giới hạn tồn tại sự sống. Nhiệt độ ở khu vực này cũng vừa đủ để có thể sống được, vào khoảng âm 40 độ F.
“Sao Mộc trông có vẻ đáng để lạc quan hơn nhiều,” McKay nói. “Có ít nhất một lớp bên trong các đám mây, một nơi đáp ứng được các nhu cầu về nước. Thế không có nghĩa là có sự sống ở đó, nó chỉ có nghĩa là yếu tố nước ở đó đã đủ điều kiện cho phép sự sống tồn tại.”
Mặc dù vậy, vẫn còn đó các yếu tố kìm hãm sự sống phát triển, như mức độ bức xạ tử ngoại cao hay thiếu hụt về nguồn dinh dưỡng. Các nhà nghiên cứu sẽ cần những phép đo hoàn toàn mới để tìm xem liệu sự sống có thể thực sự tồn tại ở đó hay không.
Hallsworth cho biết thêm rằng các kỹ thuật tính toán mức hoạt động của nước cũng có thể được sử dụng để xác định khả năng sinh sống được của các ngoại hành tinh.
“Điều khiến tôi phấn khích nhất là việc chúng ta có thể thu hẹp quy mô đến từng phân tử nước trên những hành tinh xa xôi này và chỉ ra chính xác khả năng sống được của chúng,” Hallsworth nói.
Kết quả được công bố trong một bài báo xuất bản ngày 28 tháng 6 trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.
Anh Vũ
Theo Live Science