Sao siêu khổng lồ đỏ VY Canis Majoris, cách xa 4000 năm ánh sáng, đang ở trong một giai đoạn hỗn loạn gần cuối vòng đời của nó. Được bao bọc bởi các xung, nó đang giải phóng khối lượng trong một loạt các nút và vòng cung đầy bụi. Nhờ vào độ phân giải cao của hình ảnh do Hubble chụp được, các nhà nghiên cứu có thể ước tính thời điểm một số vụ bùng phát này xảy ra, họ phát hiện ra rằng chúng bắt đầu xuất hiện từ hơn 1.000 năm trước và vẫn tồn tại cho đến gần đây nhất là khoảng 30 năm trước.
Bằng cách so sánh các khung thời gian này với các ghi chép lịch sử về độ sáng của VY Canis Majoris, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng nhiều đợt bùng phát trong số đó tương ứng với các khoảng thời gian mà độ sáng của ngôi sao tạm thời mờ đi. Các phát hiện, được công bố trên Astronomical Journal vào tháng hai, cho thấy VY Canis Majoris có lịch sử các sự kiện mờ đi tương tự như sự mờ đi gần đây của một sao khổng lồ khác là: Betelgeuse. Vào năm 2019 và 2020, ngôi sao trong chòm sao Orion này bị mờ đi một cách bí ẩn mặc dù là tạm thời. Hình ảnh tương tự qua Hubble cho thấy Betelgeuse cũng đã phóng ra một đám bụi làm mờ đi một phần ánh sáng của nó.
Roberta Humphreys, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà vật lý thiên văn tại Đại học Minnesota ở Minneapolis cho biết: “VY Canis Majoris đang hoạt động rất giống với Betelgeuse”. Theo bà thì những vật chất bùng phát này “có lẽ phổ biến ở những sao siêu khổng lồ đỏ hơn các nhà khoa học vẫn nghĩ và VY Canis Majoris là một ví dụ điển hình”.
Minh Phương
Theo Astronomy