Abell 78

Nằm cách chúng ta khoảng 5000 năm ánh sáng, ở khu vực của chòm sao Cygnus (Thiên Nga), Abell 78 là một loại tinh vân hành tinh không bình thường.

Sau khi đã cạn kiệt nhiên liệu hạt nhân ở lõi của mình, các sao với khối lượng khoảng từ 0,8 cho tới 8 lần Mặt Trời sụp đổ vào trong để tạo thành những sao lùn trắng nóng và đặc. Khi quá trình này diễn ra, ngôi sao chết sẽ ném ra ngoài những lớp vật chất phía ngoài của nó, tạo thành một đám mây khí và bụi bao quanh mà các nhà thiên văn gọi là tinh vân hành tinh. Hiện tượng này không hề khác thường, và tinh vân hành tinh là một đối tượng nổi tiếng nhận được sự chú ý của các nhà nhiếp ảnh thiên văn bởi những hình dạng thường rất đẹp và phức tạp của chúng. Tuy nhiên, một số ít như Abell 78 là kết quả của cái được gọi là sao "tái sinh".

Mặc dù lõi của ngôi sao đã dừng việc nhiệt hạch hydro và heli, một quá trình nhiệt hạch khác diễn ra rất nhanh trên bề mặt của nó phong ra vật chất với vận tốc cao. Luồng vật chất phóng ra này gây chấn động và quét sạch vật chất của tinh vân cũ, tạo ra các sợi và lớp vỏ khác thường quanh ngôi sao trung tâm, như bạn có thể nhìn thấy trong bức ảnh bên trên của Hubble.

R.T
Theo Phys.org