TESS

TOI-1685 b là một ngoại hành tinh đặc biệt! Chúng ta đang tiếp tục nhận ra rằng sự đa dạng của các hành tinh trong Milky Way khiến cho những gì chúng ta thấy trong Hệ Mặt Trời của mình trở nên nhỏ bé hơn.

Ngoại hành tinh TOI-1685 b vừa được phát hiện là một trường hợp đáng chú ý như thế. Các nhà thiên văn học phát hiện ra nó quay quanh một sao lùn đỏ mờ nhạt nằm cách Trái Đất khoảng 122 năm ánh sáng. "Quay quanh" là một từ dường như quá ... bình thường khi nói về chuyển động của TOI-1685 b, khi mà trên thực tế nó chuyển động hết một vòng quỹ đạo quanh ngôi sao của nó chỉ mất 0,67 ngày Trái Đất.

Các sao lùn đỏ, còn được gọi là các sao M, là những sao nhỏ hơn và mờ hơn nhiều so với Mặt Trời, nhưng khoảng cách cực gần của TOI-1685 b so với sao mẹ của nó (sao TOI-1685) khiến nó trở thành một thế giới rất thú vị. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra nó ước tính rằng nhiệt độ bề mặt của hành tinh này lên tới 1.465 độ F (tức 796 độ C).

Các nhà nghiên cứu do Paz Bluhm ở Đại học Heidelberg (Đức) đứng đầu ban đầu đã phát hiện ra TOI-1685 b trong các quan sát được thực hiện bởi Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh quá cảnh (TESS) của NASA. Như cái tên của nó đã nói lên, TESS tìm kiếm những sự sụt giảm ánh sáng rất nhỏ được gây ra bởi hiện tượng quá cảnh - tức là việc một hành tinh đi qua phía trước và che bớt ánh sáng của sao mẹ theo góc nhìn từ Trái Đất.

TESS đã ghi nhận sự sụt giảm như vậy quanh sao lùn đỏ TOI-1685. Bluhm và các cộng sự của bà sau đó đã xác nhận được sự tồn tại của hành tinh nhờ dữ liệu thu được bởi thiết bị quang phổ CARMENES được gắn trên kính thiên văn 3,5 mét của Đài quan sát Calar Alto ở Tây Ban Nha.

CARMENES săn lùng các hành tinh thông qua chuyển động xuyên tâm của chúng, hay nói cách khác là phương pháp Doppler - tìm kiếm những dao động nhỏ trong chuyển động của ngôi sao được gây ra bởi lực hấp dẫn từ hành tinh chuyển động quanh nó.

Việc kết hợp dữ liệu đã cho phép nhóm nghiên cứu xác định rằng TOI-1685 b là một "siêu Trái Đất" lớn gấp 1,7 lần và nặng gấp 3,8 lần hành tinh của chúng ta. Mật độ khối của hành tinh này là khoảng 4,2 g/cm³, việc đó khiến nó trở thành "hành tinh quanh có chu kỳ siêu ngắn một sao lùn M với mật độ loãng nhất từng biết". (Để tiện so sánh thì mật độ khối của Trái Đất là 5,5 g/cm³).

Theo các nhà nghiên cứu, việc TOI-1685 b có hiện tượng quá cảnh và nhiệt độ khá cao khiến nó trở thành một ứng viên tiềm năng để thực hiện các quan sát tiếp theo bằng những công cụ khác. Việc đó cũng gần giống trường hợp của một ngoại hành tinh khác đã được phát hiện gần đây cũng nhờ TESS và CARMENES là Gliese 486 b.

Bluhm và nhóm của bà cũng đã thấy những tín hiệu khác trong dữ liệu của CARMENES về TOI-1685, từ đó có thể chỉ ra sự tồn tại của một hành tinh thứ hai trong hệ này với chu kỳ quỹ đạo là 9 ngày Trái Đất. Nếu hành tinh này thực sự tồn tại thì nó cũng không có hiện tượng quá cảnh, vì TESS không hề ghi nhận được tín hiệu tương ứng.

Bryan
Theo Live Science

 

Nội dung của nghiên cứu này có thể được đọc miễn phí trong bản đợi in trên Arxiv.org.