exoplanet

Các nhà khoa học thường không đo được kích thước của các hành tinh khổng lồ như Sao Mộc và Sao Thổ vì chúng đều ở rất xa ngôi sao mà chúng chuyển động quanh. Nhưng mới đây, một nhóm nghiên cứu của UC Riverside (Đại học California, Riverside - Mỹ) đã làm được điều đó.

Hành tinh vừa được quan sát nặng gấp khoảng 5 lần Sao Mộc. Nó được đặt tên là GOT 'EM-1b - trong đó phần chữ là viết tắt của Giant Outer Transiting Exoplanet Mass (tên một chương trình khảo sát để tìm kiếm các ngoại hành tinh khổng lồ ở khu vực tương đối xa sao mẹ của chúng bằng phương pháp quá cảnh). Mặc dù cách Trái Đất khoảng 1.300 năm ánh sáng, GOT 'EM-1b (hay còn có tên chính thức khác là Kepler-1514b) vẫn thuộc khu vực mà các nhà nghiên cứu gọi là "vùng lân cận Mặt Trời".

Nhà thiên văn Paul Dalba - người đứng đầu nghiên cứu - cho biết: "Hành tinh này giống như một bước chuyển tiếp giữa các hành tinh khổng lồ trong Hệ Mặt Trời của chúng ta vốn ở rất xa sao mẹ, và những hành tinh khí khổng lồ ở rất gần sao mẹ của chúng."

Chi tiết về việc phát hiện ra GOT 'EM-1b đã được chấp nhận đăng trên Astronomical Journal, và đã được giới thiệu hôm 11/1 vừa qua tại hội nghị của Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ.

Năm 2010, kính thiên văn không gian Kepler của NASA ban đầu đã phát hiện ra một vật thể mà cuối cùng hóa ra là một hành tinh. Tiếp đó, nó phát hiện ra sự sụt giảm độ sáng của một ngôi sao - một manh mối về việc có các hành tinh ở quỹ đạo gần đó.

Dalba và nhóm của ông tiếp đó sử dụng Đài quan sát W.M. Keck ở Hawaii để xác định kích thước và mật độ của hành tinh đó.

Dalba cho biết họ thực sự ngạc nhiên khi tìm thấy một hành tinh như GOT 'EM-1b.

"Mất 218 ngày để chuyển động hết một vòng quỹ đạo quanh sao mẹ là một quãng dài hơn hầu hết các ngoại hành tinh khổng lồ mà chúng tôi từng đo được," Dalba nói. "Kepler đã khám phá ra hàng nghìn hành tinh, và chỉ có vài chục trong số đó có quỹ đạo kéo dài vài trăm ngày hoặc hơn."

Các hành tinh khổng lồ có xu hướng ở xa sao mẹ của chúng, và rồi dịch chuyển lại gần theo thời gian. Việc phát hiện ra một hành tinh như vậy không có sự dịch chuyển lại gần có thể giúp chúng ta có một mẫu để theo dõi và hiểu rõ hơn về chính Hệ Mặt Trời.

Trái Đất có tính ổn định tương đối cao và các nhà thiên văn học tin rằng chính Sao Mộc là tứ bảo vệ chúng ta khỏi các vật thể đến từ không gian. Nhưng vì có khối lượng quá lớn, các hành tinh như Sao Mộc có thể gây nhiễu loạn quỹ đạo, cấu trúc và sự phát triển của các hành tinh ở gần chúng.

Theo giải thích của nhà vật lý thiên văn hành tinh học Stephen Kane thì "các hành tinh khổng lồ ở cách xa sao mẹ có thể giúp chúng ta trả lời những câu hỏi đã có từ lâu về việc liệu rằng tính ổn định và sự phát triển như của Hệ Mặt Trời chúng ta có phải là bình thường hay không."

"Chúng tôi không biết có bao nhiêu mẫu tương tự Sao Mộc và Sao Thổ - rất khó để tìm thấy những hành tinh như vậy ở xa sao mẹ của chúng, và vì thế việc này thực sự thú vị," Kane nói.

Phát hiện này rất hữu ích cho những sứ mệnh tương lai của NASA, chẳng hạn như Kính thiên văn không gian Nancy Grace Roman đang được lên kế hoạch để trực tiếp chụp ảnh các hành tinh khổng lồ.

Dalba cũng hi vọng rằng sẽ tìm hiểu được thêm xem liệu hành tinh này có vệ tinh hoặc thậm chí cả một hệ nhiều vệ tinh hay không.

"Chúng ta chưa từng tìm ra vệ tinh nào bên ngoài Hệ Mặt Trời," Dalba nói. "Nhưng nếu tìm được, nó sẽ cho chúng ta biết rằng các vệ tinh có thể hình thành quanh các hành tinh đang trải qua quá trình dịch chuyển mạnh, và giúp chúng ta biết nhiều hơn về các hành tinh khổng lồ nói chung."

Bryan
Theo Phys.org