supernova

Cứ vài thế kỷ, lại có một supernova trong thiên hà của chúng ta, và cũng đã hàng trăm năm kể từ lần cuối một vụ nổ như vậy được quan sát thấy. Tại sao lại ít như vậy? Một nghiên cứu mới đã giải thích việc này.

Supernova cuối cùng được ghi nhận trong bất kỳ nguồn đáng tin cậy nào là vào năm 1604. Nó đã được xác nhận bởi nhiều nhà thiên văn trên khắp thế giới, mà đáng chú ý nhất là quan sát của Johannes Kepler. Vào thời điểm đó, không ai có bất cứ ý tưởng nào về việc tại sao và bằng cách nào mà những "ngôi sao mới" này xuất hiện trên bầu trời (và rồi sau đó biến mất). Ngày nay, chúng ta đã biết câu trả lời: Chúng là kết quả của cái chết của một sao nặng, hoặc là sự bùng nổ hạt nhân do bồi tụ ở một sao lùn trắng.

Các nhà thiên văn ngày nay cũng có thể tính được con số trung bình về số lượng supernova xuất hiện trong một thiên hà nào đó - chẳng hạn như chính thiên hà chúng ta. Kết quả của các phép tính này cho thấy cứ vài trăm năm sẽ có một vụ như vậy trong thiên hà. Thế nhưng đã 4 thể kỷ trôi qua từ sự kiện được Kepler quan sát, không hề có bất cứ thông tin đáng tin cậy nào về một supernova nào đó đã được quan sát trên bầu trời của chúng ta. Điều đó thậm chí còn bất chấp cả một sự thật là trong những thế kỷ qua, khả năng công nghệ của chúng ta trong việc quan sát bầu trời đã phát triển một cách bùng nổ.

Theo một nghiên cứu mới đã được đăng trên arXiv thì lý do của việc này không phải vì Milky Way không tạo ra các supernova nữa. Chẳng hạn, tinh vân Cassiopeia A là tàn dư của một supernova đã xảy ra cách đây 325 năm, nhưng khi đó đã chẳng ai nhìn thấy nó.

Vậy thì lý do gì mà chúng ta không còn nhìn thấy các supernova nữa?

Theo nghiên cứu mới thì tất cả là do vị trí. Hầu hết các supernova xảy ra trong một đĩa mỏng chứa đầy sao của thiên hà. Nhưng đĩa này thì lại đầy bụi, và bụi liên sao là thứ cản ánh sáng nhiều nhất. Ở gần trung tâm của thiên hà, có nhiều supernova hơn mức trung binh, và bụi cũng thế.

Để có thể quan sát được thấy bằng mắt thường, supernova cần xảy ra ở đúng vị trí trong thiên hà: đủ gần và ở nơi đủ trong (ít bụi liên sao).

Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây. Mô hình của các nhà thiên văn dự đoán rằng hầu hết các supernova có thể nhìn thấy bằng mắt thường đều xảy ra ở gần hướng của trung tâm thiên hà. Nhưng hầu hết các supernova đã được ghi nhận trong lịch sử lại không hề gần đó. Việc đó có thể là do tác động của các cánh tay xoắn. Những cánh tay xoắn của thiên hà có thể tự kích hoạt hoạt động tạo sao cũng như các supernova trong chúng. Tuy nhiên việc này vẫn còn cần được tìm hiểu thêm.

Vậy khi nào thì chúng ta sẽ thấy một sự kiện như vậy tiếp theo? Các nhà nghiên cứu ước tính rằng chúng ta có 33% cơ hội để quan sát được cái chết của một sao nặng và 50% cơ hội để thấy một sao lùn trắng bị phá hủy khi chúng xảy ra. Việc đó đơn giản là phụ thuộc vào may mắn.

R.T
Theo Phys.org