Chandra images

Một bộ hình ảnh vừa được giới thiệu bởi đài quan sát không gian Chandra X-ray của NASA, làm nổi bật dữ liệu đáng chú ý của nó. Những đối tượng này đã được quan sát ở những dải sóng vốn không thể nhìn thấy bằng mắt thường - bao gồm tia X, hồng ngoại và vô tuyến - bởi những kính thiên văn mạnh nhất thế giới. Dữ liệu thu được ở những bước sóng khác nhau sau đó được gán màu sắc vào để dựng thành những hình ảnh cho phép chúng ta thưởng thức và khám phá sâu vào những thực thể vũ trụ này.

Những đối tượng có mặt trong bộ 5 hình ảnh này thuộc nhiều loại và ở những khoảng cách khác nhau. Vela và Kepler là những gì còn lại của những ngôi sao đã phát nổ trong thiên hà Milky Way của chúng ta, còn trung tâm của chính thiên hà lại được thấy ở một hình ảnh khác. Trong NGC 1365, chúng ta thấy một thiên hà xoắn nằm cách Trái Đất khoảng 60 triệu năm ánh sáng. Ở xa hơn và có phạm vị rộng hơn, ESO 137-001 cho thấy những gì xảy ra khi một thiên hà lao nhanh qua không gian và để lại một vệt phía sau nó.

 

Trung tâm thiên hà

Trung tâm thiên hà nằm cách chúng ta khoảng 26.000 năm ánh sáng, nhưng những kính thiên văn như Chandra đủ mạnh để dường như đưa chúng ta tới thăm nó. Ở trung tâm của Milky Way có một lỗ đen siêu nặng (Sagittarius A*), bao quanh bởi những đám mây khí cực nóng, các sao nặng, sao neutron, và nhiều thứ khác.

 

Tàn dư supernova Kepler

Tàn dư của supernova Kepler là những gì còn lại của một sao lùn trắng đã bị phá hủy bởi một vụ nổ nhiệt hạt nhân. Dữ liệu của Chandra có màu xanh lam, cho thấy một làn sóng cực mạnh lan vào không gian sau vụ nổ. Trong khi đó, dữ liệu hồng ngoại của kính thiên văn không gian Spitzer (màu đỏ) và ánh sáng biểu kiến thu được từ kính Hubble (xanh lơ) cho thấy những mảnh vụn còn lại từ ngôi sao đã chết.

 

ESO 137-001

Khi thiên hà này di chuyển trong không gian với vận tốc 2,4 triệu km/h, nó để lại không chỉ một mà tới hai cái đuôi phía sau. Những cái đuôi này là khí siêu nóng mà Chandra có thể nhìn thấy và được biểu diễn bởi màu xanh lam trong hình. Dữ liệu từ đài quan sát VLT của ESO cho thấy ánh sáng phát ra từ các nguyên tử hydro dưới dạng màu đỏ, với một phần ánh sáng biểu kiến mà Hubble quan sát được có màu cam và xanh lơ.

 

NGC 1365

Trung tâm của thiên hà xoắn NGC 1365 có một lỗ đen siêu nặng đang nuốt lấy vật chất từ một dòng ổn định. Một phần khí nóng này được nhìn thấy trong hình ảnh tia X của Chandra (màu tím), cuối cùng toàn bộ chúng sẽ rơi hết vào lỗ đen. Hình ảnh của Chandra được kết hợp với dữ liệu hồng ngoại từ kính thiên văn không gian James Webb (đỏ, xanh lục và xanh lam).

 

Pulsar Vela

Với việc kết hợp dữ liệu từ Vệ tinh chụp ảnh tia X phân cực (IXPE / xanh lam), Chandra (tím) và Hubble (vàng), các nhà nghiên cứu đang theo dõi Vela, giai đoạn sau của một ngôi sao đã sụp đổ và phát nổ, để rồi giờ đây đang ném vào không gian cả một cơn bão của các hạt cơ bản và năng lượng.

R.T
Theo Chandra/NASA