Horsehead Nebula

Là một trong số các thiên thể luôn thu hút sự chú ý của công chúng, tinh vân Đầu Ngựa đã có một lịch sử hấp dẫn nhưng cũng đầy bí ẩn.

Vào đêm ngày 27 tháng 7 năm 1919, nhà thiên văn Edward Emerson Barnard nhận thấy bầu trời phía trên Đài quan sát Yerkes, miền nam Wisconsin gần như hoàn hảo để quan sát. Bầu trời trong như pha lê và không khí vùng Trung Tây nước Mỹ ổn định một cách kinh ngạc.

Ông hướng tầm nhìn của kính thiên văn khúc xạ lớn nhất thế giới lúc bấy giờ về phía chòm sao Orion, nhắm mục tiêu vào một đối tượng bí ẩn mà ông đã cố nhìn lướt qua nhiều lần từ những ngày theo đuổi sao chổi hàng chục năm trước. Trước đó đã có các nhà thiên văn học khác chụp ảnh khu vực này, nhưng bản chất và thậm chí chính sự tồn tại của một vệt mờ ở đó vẫn còn gây tranh cãi.

Tuy nhiên, vào đêm Wisconsin đẹp như tranh vẽ này, không thể nhầm lẫn được: một bóng đen rất sắc nét nội bật trên nền trời sáng.

“Từ quan sát này, sẽ không còn ai nghi ngờ về việc có một vật thể thực sự - trông bụi bặm, nhưng sáng hơn nền trời đêm - chiếm chỗ ở đó”, Barnard đã viết. “Đối tượng này đã không nhận được sự quan tâm xứng đáng,” ông nói thêm.

Barnard cũng đã chụp một bức ảnh của vật thể, bức hình mà người hâm mộ không gian ngày nay vẫn có thể nhận ra được. Cuối cùng ông đã "thuần hóa" được tinh vân Đầu Ngựa, một thiên thể đã trở nên nổi tiếng kể từ đó, được thúc đẩy bởi kỷ nguyên của những chiếc kính thiên văn không gian trị giá hàng tỷ dollar và các công cụ tiên tiến dành cho các nhà thiên văn nghiệp dư.

 

Hơn một thế kỷ trước, nhà thiên văn E. E. Barnard đã chụp bức ảnh được phóng to ở bên trái của thứ mà ông đặt tên là Barnard 33, mà ngày nay được biết đến với tên tinh vân Đầu Ngựa (Horsehead Nebula).
E. E. Barnard/Đài thiên văn Yerkes

 

Tinh vân Đầu ngựa trong chòm sao Orion đã thực sự lôi cuốn sự chú ý của công chúng, như nhiều thiên thể khác. Nó có thể xuất hiện ở hầu hết mọi nơi, từ áo phông trong cửa hàng quà tặng đến hình xăm trên vai hay áp phích dán tường phòng ngủ của những người trẻ tuổi hâm mộ không gian. Nhưng việc phát hiện tinh vân Đầu Ngựa trên bầu trời đêm thực sự không dễ dàng.

Tinh vân Đầu Ngựa, còn được gọi với cái tên Barnard 33, và bạn đồng hành của nó là tinh vân Ngọn Lửa (Flame Nebula), nằm gần ngôi sao Alnitak trong thắt Lưng của Orion (Orion’s Belt). Ngày nay, chúng ta biết rằng Đầu Ngựa là một tinh vân tối, ánh sáng lấp lánh của nó được tạo thành do đám khí lạnh và bụi. Như Barnard đã chỉ ra, hình dạng đặc trưng của đám mây đen này chỉ có thể nhìn thấy được vì bóng của nó che khuất ánh sáng từ tinh vân sáng hơn phía sau nó.

Phần “hàm” nổi bật của con ngựa thực sự được tạo hình bởi bức xạ cường độ cao phát ra từ một ngôi sao gần đó. Và rất dễ dàng để tập trung vào vật thể lôi cuốn này, khi tinh vân Đầu Ngựa chỉ là một phần nhỏ của tổ hợp Mây Phân tử Orion lớn hơn nhiều. Vùng tạo sao này trải dài hàng trăm năm ánh sáng và bao phủ phần lớn chòm sao Orion. Bằng cách nghiên cứu nó, các nhà thiên văn học đã biết về một vườn ươm sao nơi sinh ra những ngôi sao trẻ, một số thậm chí có đĩa tiền hành tinh.

Đọc thêm bài "Sao: cấu tạo và tiến hóa".

 


Tinh vân Đầu Ngựa chỉ là một phần nhỏ của tổ hợp Mây Phân Tử Orion. Bạn có thể xác định vị trí của nó bằng cách nhìn về phía Nam của ngôi sao ở cực Đông trên thắt lưng của Orion.
Rogelio Bernal Andreo/Wikimedia Commons

 

Nhưng Đầu Ngựa ở đâu trên bầu trời đêm của Trái Đất? Vị trí của nó dễ tìm một cách đáng ngạc nhiên, nhưng việc phân biệt ra đối tượng khó hơn một chút. Như đã nhắc tới, tinh vân Đầu Ngựa nằm gần sao Alnitak, còn được gọi là Zeta Orionis, là ngôi sao ở cực Đông thắt lưng Orion. Bạn sẽ có thể tìm thấy tinh vân này ở ngay phía Nam ngôi sao đó.

Hình dạng đặc trưng và màu hồng sặc sỡ đã khiến tinh vân Đầu Ngựa trở thành mục tiêu hấp dẫn của kính thiên văn trong nhiều năm. Nhưng bất chấp tiếng tăm phổ biến của nó, đám mây khí này thực sự rất mờ nhạt.

Tinh vân Đầu Ngựa cách Trái Đất khá xa - khoảng 1500 năm ánh sáng. Dẫn đến kết quả là nó chỉ sáng ở cấp 6,8. Và tệ hơn nữa là, thường có một ngôi sao tương đối sáng trong cùng trường nhìn với nó. Vì vậy, qua một thị kính của kính thiên văn, cái đầu ngựa có vẻ mờ, nhỏ và hơi bị trượt ra ngoài.

Chính vì việc Đầu Ngựa rất khó phát hiện, mà một số nhà thiên văn nghiệp dư sử dụng nó để thử thách kỹ năng quan sát của họ. Đó là một phần lý do, khi đám mây khí này lần đầu tiên được phát hiện, hình dạng đặc trưng của nó thậm chí còn không được chú ý.

 

William Herschel nhìn qua thị kính khi em gái của ông, Caroline Herschel, ghi chép lại vào đêm họ phát hiện ra Sao Thiên Vương năm 1781.
Paul Fouché/Wikimedia Commons

 

Tinh vân Đầu Ngựa được phát hiện như thế nào?

Câu chuyện khám phá về tinh vân Đầu Ngựa rất bất ngờ, đặc biệt là đối với một đối tượng quá nổi tiếng như đã biết ngày nay. Một số nhà thiên văn học đã tình cờ tìm thấy nó trong nhiều năm, nhưng các công cụ hạn chế của họ khiến việc thực hiện nghiên cứu chi tiết trở nên khó khăn.

Người phát hiện ra Sao Thiên Vương, nhà thiên văn học người Anh William Herschel, có thể là người đầu tiên nhìn thấy tinh vân Đầu Ngựa qua kính thiên văn. Herschel là một nhà quan sát giỏi, và vào năm 1811, ông đã gửi một bài báo táo bạo cho tạp chí Philosophical Transactions với tiêu đề "Cấu trúc của bầu trời". Một phần trong bài báo, Herschel đã đưa ra 52 vật thể kỳ lạ khác nhau mà ông đã phát hiện trên bầu trời đêm trong suốt cuộc đời của mình.

“Chúng chỉ có thể được nhìn thấy khi không khí hoàn toàn trong trẻo và người quan sát ở trong bóng tối đủ lâu để mắt phục hồi cảm giác như đang ở trong ánh sáng,” Herschel đã viết.

Tuy nhiên, những mô tả của ông về bản thân các vật thể đó lại mơ hồ một cách khó chịu, khiến chúng hầu như bị bỏ qua trong gần 100 năm.

Thế rồi nhà thiên văn nghiệp dư người xứ Wales Isaac Roberts quyết định chụp ảnh 52 vị trí mà Herschel đã đề cập.Ông đã dành sáu năm để hoàn thành nhiệm vụ và trong một bài báo xuất bản năm 1902, Roberts đã trình bày một bình luận quan trọng về sự tồn tại các vật thể mờ của Herschel.

Có một vài đối tượng rất rõ ràng và nổi bật. Và một trong những vị trí rất giống với vị trí của tinh vân Đầu Ngựa, mà Roberts đã chụp được trong một bức ảnh. Tuy nhiên, quan sát của Roberts quá mờ nhạt nên không thể hiện được nhiều chi tiết. Ông tiếp tục bác bỏ nó như là “một dải mơ hồ”.

Cùng lúc đó, khi bước sang một thế kỷ mới, một nhà thiên văn học khác đã phát hiện ra một vật thể trong danh mục ngày càng nhiều lên của bà.

 

Williamina Fleming (đứng), Edward Pickering (ngoài cùng bên trái) và một nhóm những người được gọi là "máy tính sống" đã lập danh mục và phân loại hàng nghìn thiên thể vào cuối những năm 1800, bao gồm cả Tinh vân Đầu Ngựa.
Kho lưu trữ lịch sử Đại học Harvard

 

Từ tiến bộ khoa học đến hình nền máy tính

Williamina Fleming là một "máy tính sống" làm việc tại Đài quan sát Đại học Harvard hơn một thế kỷ trước. Nhà thiên văn học người Scotland này đã bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một người giúp việc tại nhà của Edward Charles Pickering, giám đốc đài thiên văn. Nhưng bà nhanh chóng được thuê để phân tích quang phổ - "dấu vân tay hóa học" của các ngôi sao. Hệ thống phân loại sao của Fleming dần phổ biến và các nhà thiên văn học vẫn sử dụng cho đến ngày nay.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Fleming đã lập danh mục hàng nghìn đối tượng - và một trong số đó là tinh vân Đầu Ngựa. Vào năm 1888, bà đang xem lại một trong những tấm ảnh của Pickering thì phát hiện ra một vật thể lạ.

Đối với bà, nó chỉ đơn giản là một tinh vân nữa trong số vô số các thiên thể khác mà bà đã liệt kê trong suốt cuộc đời của mình. Tuy nhiên, Fleming vẫn được ghi công cho phát hiện được xác nhận đầu tiên về tinh vân Đầu Ngựa.

 

Tinh vân Đầu Ngựa do kính thiên văn không gian Hubble chụp. Hình ảnh này chỉ là một phần nhỏ của đám mây vũ trụ khổng lồ nơi đang hình thành các ngôi sao trẻ.
NASA, ESA, và Hubble Heritage Team (STScI/AURA)

 

Nhưng điều đó lại để lại một câu hỏi khác: Ai đã đặt tên cho tinh vân Đầu Ngựa? Các ghi chép lịch sử đều mơ hồ về điểm này. Đó không phải là Hershel hay Fleming. Roberts đã không sử dụng thuật ngữ này trong nghiên cứu tiếp theo năm 1902 của mình, và Barnard dường như cũng không nhận thấy sự tương đồng hình dáng của nó với ngựa trong các bài báo của mình.

Ngay cả những tài liệu tham khảo được phổ biến ban đầu cũng dường như không nhất trí với nhau về cách gọi tên. Vào năm 1922, một cuốn sách có tên Astronomy for Young Folks gọi nó là “Dark Horse Nebula” (Tinh vân Ngựa Tối). Nhưng “tinh vân Đầu Ngựa” quen thuộc hơn cũng là thuật ngữ phổ biến đối với các nhà thiên văn học vào đầu những năm 1920. Thuật ngữ thứ hai này trở nên phổ biến và lấn át ngay sau đó, vì ngày càng có nhiều nhà thiên văn học chụp được những bức ảnh chi tiết.

Vào buổi bình minh của cuộc đua không gian, tinh vân Đầu Ngựa đã được yêu thích trong các sách, tạp chí về thiên văn học và các tác phẩm khoa học viễn tưởng.

Ngày nay, Tinh vân Đầu Ngựa xuất hiện trong hình nền máy tính thường xuyên hơn nhiều so với trong các bài báo khoa học. Nhưng điều đó không ngăn được mọi người đánh giá cao vẻ đẹp của nó. Người yêu không gian trên toàn thế giới thích chú ngựa vũ trụ quyến rũ, và khó mà tin rằng điều đó sẽ sớm thay đổi.

Đắc Cường
Theo Astronomy

 

Vẻ đẹp tuyệt vời của tinh vân Đại Bàng.