NGC 246

Tàn dư đẹp đẽ này thuộc về một ngôi sao đã chết từ lâu, nằm sâu trong bụng của một con quái vật và mang hình dạng giống như một chiếc sọ người lơ lửng trong không gian. Hình ảnh này được chụp bởi Kính thiên văn rất lớn (VLT) của ESO, nó cho thấy màu đỏ tuyệt đẹp của tinh vân Đầu Lâu.

Đây là tinh vân hành tinh đầu tiên từng được biết tới có liên quan tới một cặp sao liên kết gần với một sao thứ ba di chuyển quanh chúng ở khoảng cách xa hơn.

Còn được biết tới với ký hiệu NGC 246, tinh vân Đầu Lâu nằm cách chúng ta khoảng 1600 năm ánh sáng trong khu vực của chòm sao Cetus (chòm sao mang hình ảnh con quái vật biển của thần Poseidon đã bị Perseus giết chết để cứu Andromeda). Nó hình thành khi một ngôi sao tương tự Mặt Trời đẩy ra ngoài những lớp ngoài của nó vào giai đoạn cuối đời, để lại bên trong cái lõi là một sao lùn trắng - đó là một trong hai ngôi sao có thể được nhìn thấy ở ngay trung tâm của NGC 246.

Mặc dù tinh vân này đã được biết tới từ nhiều thế kỷ trước, nhưng tới tận năm 2014, quan sát của VLT mới giúp các nhà thiên văn khám phá ra rằng sao lùn trắng và bạn đồng hành của nó đang che giấu một ngôi sao thứ ba nằm trong tình vân Đầu Lâu. Ngôi sao này không được nhìn thấy trong bức ảnh, nó là một sao lùn đỏ nằm khá gần sao lùn trắng - chỉ 500 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Sao lùn trắng và sao lùn đỏ là một cặp chuyển động quanh nhau, còn ngôi sao thứ ba chuyển động quanh cả hai sao này ở quỹ đạo xa hơn, khoảng 1.900 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Việc đó khiến NGC 246 trở thành tinh vân hành tinh đầu tiên bao quanh một hệ ba sao từng được biết tới.

Được chụp bởi thiết bị FORS 2 thuộc đài quan sát VLT của ESO đặt tại sa mạc Atacama (Chile), bức hình mới này ghi lại ánh sáng thuộc một dải bước sóng hẹp được phát ra bởi hydro và oxy. Các quan sát về ánh sáng tương ứng của từng nguyên tố cho biết nhiều thông tin về cấu tạo hóa học và cấu trúc của đối tượng được quan sát. Hình ảnh mới này làm nổi bật những nơi giàu hoặc nghèo hydro (màu đỏ) và oxy (màu xanh nhạt).

Hình ảnh này là mọt phần trong chương trình Cosmic Gems (những viên ngọc vũ trụ) của ESO - một sáng kiến về việc xây dựng những hình ảnh thú vị và hấp dẫn trực quan về các vật thể thông qua các kính thiên văn của ESO phục vụ mục đích giáo dục và tiếp cận công chúng. Chương trình sử dụng khoảng thời gian mà các kính thiên văn không được huy động cho các quan sát khoa học. Toàn bộ dữ liệu thu thập được cũng có thể được phục vụ mục đích khoa học, và được cung cấp cho các nhà thiên văn thông qua kho lưu trữ khoa học của ESO.

R.T
Theo Phys.org