exoplanet

Đã qua ba thập kỷ kể từ khi nhà thiên văn học từ đại học Cornell là Carl Sagan đưa ra gợi ý để tàu Voyager 1 chụp một bức ảnh Trái Đất khi nó cách hàng tỷ km - kết quả là chúng ta có bức ảnh biểu hiện một Chấm Xanh Nhạt. Mới đây, hai nhà thiên văn học đã đưa ra một góc nhìn mới về vũ trụ.

Một số ngoại hành tinh - những hành tinh không thuộc Hệ Mặt Trời - có tầm nhìn trực tiếp để quan sát được những tính chất sinh học trên Trái Đất từ xa, rất xa.

Lisa Kaltenneger, giáo sư thiên văn học trường Khoa Học Và Nghệ Thuật, giám đốc viện Carl Sagan, đại học Cornell, cùng với Joshua Pepper, giáo sư vật lý tại đại học Leight, đã xác định được 1004 ngôi sao trên dãy chính (những sao tương tự Mặt Trời), có những hành tinh giống như Trái Đất di chuyển quanh chúng - tất cả đều cách chúng ta khoảng 300 năm ánh sáng và từ những nơi đó có thể phát hiện được dấu vết hóa học của sự sống trên Trái Đất.

Bài báo có tên là “Những vì sao nào nhìn thấy Trái Đất như một ngoại hành tinh quá cảnh?” đã được xuất bản ngày 21 tháng 10 trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Thông báo hàng tháng của Hội thiên văn học Hoàng gia - Anh).

Kaltenneger nói: “Hãy đổi lại để có góc nhìn tử những ngôi sao khác và xem đâu là vị trí thuận lợi để các nhà quan sát có thể nhìn thấy Trái Đất như một hành tinh quá cảnh”.

Một hành tinh quá cảnh là một hành tinh đi cắt qua tầm nhìn của người quan sát đến một ngôi sao khác, chẳng hạn như Mặt Trời, điều đó tiết lộ manh mối về cấu tạo bầu khí quyển của hành tinh đó.

“Nếu những người quan sát từ đó tìm kiếm, họ sẽ tìm thấy dấu vết một sinh quyển trong Chấm Xanh Nhạt của chúng ta,” bà nói. “Chúng ta thậm chí có thể nhìn thấy một trong những ngôi sao đó bằng mắt thường trên bầu trời đêm mà không cần đến ống nhòm hay kính thiên văn”

Kaltenneger cho biết, các quan sát quá cảnh là công cụ quan trọng của các nhà thiên văn trên Trái Đất để xác định khả năng sống được của các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời, nhất là khi kính thiên văn James Webb của NASA bắt đầu được sử dụng khi phóng lên vào năm sau.

Nhưng những hệ sao nào có thể tìm thấy chúng ta? Nắm giữ chìa khóa khoa học cho câu hỏi này là hoàng đạo của Trái Đất - mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời. Hoàng đạo là nơi mà các ngoại hành tinh có tầm nhìn thích hợp để xác định vị trí của Trái Đất, vì đó là nơi có thể nhìn thấy Trái Đất đi ngang qua Mặt Trời của chính nó - cung cấp cho người quan sát con đường khám phá sinh quyển sôi động trên hành tinh chúng ta.

Pepper và Kaltennegger đã tạo ra danh sách hàng nghìn ngôi sao gần nhất bằng cách sử dụng bảng thống kê sao từ Vệ Tinh Khảo Sát Ngoại Hành tinh (TESS) của NASA.

“Chỉ một phần nhỏ các ngoại hành tinh có thể ngẫu nhiên nằm thẳng với hướng nhìn của chúng ta để có thể thấy được sự quá cảnh của chúng,” Pepper nói. "Nhưng cả nghìn ngôi sao mà chúng tôi đã xác định được trong bài báo nằm trong vùng lân cận Mặt Trời có thể nhìn thấy Trái Đất khi quá cảnh Mặt Trời, thu hút sự chú ý của họ."

Kaltenegger nói: “Nếu tìm thấy một hành tinh có sinh quyển sôi động, chúng ta cũng sẽ tò mò về việc liệu có ai đó ở đó đang nhìn mình hay không.”

"Nếu chúng ta đang tìm kiếm sự sống thông minh trong vũ trụ, thì họ cũng có thể đang tìm và muốn liên lạc với chúng ta", bà cho biết. "Chúng tôi chỉ tạo bản đồ sao về nơi chúng ta nên nhìn trước tiên."

Đắc Cường
Theo Phys.org