Babylon

Từ ban đầu là sự tò mò về vũ trụ, bầu trời đêm cuối cùng đã được người cổ đại giải mã, khiến thiên văn học trở thành một trong những (nếu không muốn nói chính là) khoa học lâu đời nhất.

(Hình trên: Tấm bảng điêu khắc Babylon khoảng 2.800 năm tuổi này cho thấy các thầy tu tại đền thờ Mặt Trời ở Sippar, nơi có tín ngưỡng thờ Mặt Trời. Ở phía trên Thần Mặt Trời, bạn có thể nhìn thấy các biểu tượng Mặt Trời và Mặt Trăng, cũng như một ngôi sao tám cánh, mỗi biểu tượng tượng trưng cho một vị thần cổ đại. Dưới chân họ là "đại dương trên bầu trời.")

Hàng triệu năm trước, người cổ đại sống trên vùng hoang mạc châu Phi có thể nhìn lên để thấy sự kỳ diệu từ ánh sáng Mặt Trăng và bầu trời đầy sao. Khung cảnh trên bầu trời đêm này không khác nhiều so với những gì mà chúng ta thấy ngày nay; nhưng cách họ tương tác với nó gần như chắc chắn chỉ dừng lại ở việc ngắm nhìn. Chỉ cho đến khi con người coi các ngôi sao như một công cụ, chúng ta mới trở thành bậc thầy trong việc hiểu chuyển động của chúng.

Khoảng 7.000 năm trước, một nhóm người du mục sống trên hoang mạc châu Phi trở thành những người đầu tiên được biết đến là đã ghi lại chuyển động của các vì sao, tại một địa điểm gọi là Nabta Playa. Giáo phái du mục săn bắn và hái lượm này đã xây dựng một vòng tròn bằng đá lâu đời nhất thế giới để theo dõi sự xuất hiện của ngày hạ chí, cũng như các đợt gió mùa mà họ phụ thuộc vào để lấy nước và thực phẩm.

Đầu năm nay, trong một lần trả lời tờ Astronomy, J.McKim Malville - giáo sư danh dự tại Đại học Colorado, một chuyên gia về thiên văn học – nói rằng “đây là buổi bình minh của thiên văn học quan sát”.

Cần tới hàng thiên niên kỷ trước khi những quan sát nghiêm ngặt như vậy được áp dụng cho các lĩnh vực khác như sinh học, hóa học, địa chất, y học và hơn thế nữa.

Nguồn gốc của thiên văn học

Hàng nghìn năm sau khi xây dựng Nabta Playa, những hoạt động tương tự diễn ra trên khắp thế giới. Loài của chúng ta đang phát triển từ những người ngắm sao thành những nhà khoa học.

Thiên văn học cuối cùng đã xuất hiện ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Châu Âu, Trung Mỹ cổ và Trung Đông. Việc phát triển kiến thức sâu rộng về các vì sao là điều cần thiết để vận hành một xã hội nông nghiệp phức tạp.

Chắc chắn, con người cổ đại vẫn sẽ gán thần thoại và các vị thần của họ lên bầu trời. Nhưng họ cũng ghi chép tỉ mỉ những quan sát và ghi nhận những sự thay đổi, sau đó gắn những thay đổi đó với hành vi của thế giới tự nhiên. Điều này cho phép họ dự đoán các khía cạnh quan trọng của tương lai, chẳng hạn như khi nào mưa đến hoặc thời điểm thu hoạch mùa vụ.

Theo thời gian, các nền văn minh trên thế giới ngày càng dựa nhiều vào những người có thể giải thích chuyển động của bầu trời đêm. Đó là khi thế giới cần những nhà thiên văn học.

Bảng chữ hình nêm Babylon cổ đại này mô tả một phương pháp hiện đại đáng ngạc nhiên để theo dõi đường đi của Sao Mộc. Các nhà thiên văn học Babylon cổ đã phác họa ra trên biểu đồ một phần đường đi của Sao Mộc trên bầu trời trong 60 ngày, với thời gian được vẽ trên một trục và đường đi của Sao Mộc dịch chuyển bao nhiêu độ mỗi ngày trên trục khác. Hình ảnh dạng biểu đồ này trông giống như một hình thang và diện tích của hình thang đó là tổng quãng đường Sao Mộc di chuyển trong 60 ngày.

 

Các ngôi sao được đặt tên như thế nào

Lịch sử thiên văn học phương Tây ra đời ở Lưỡng Hà (Tây Á ngày nay). Tại đây, thiên văn học đã xuất hiện cùng với buổi bình minh của nền nông nghiệp trên vùng đất vẫn được gọi là Lưỡi Liềm Màu Mỡ. Một mảnh đất dạng lưỡi liềm nằm trong khu vực Trung Đông ngày nay, vùng đất mà lịch sử được coi là nơi hình thành của cả nông nghiệp và chữ viết. Lúc các nền văn minh cổ đại bùng nổ ở Sumer, Assyria và Babylon, thì việc nghiên cứu các vì sao cũng vậy.

Trong khi người châu Âu hiện đại đã lấy lại các chòm sao được sử dụng bởi người Hy Lạp cổ, thì thực tế những chòm sao này vốn đã cổ xưa ngay cả vào thời của Aristotle. Vì vậy, trên thực tế là chúng ta có thể theo dõi nguồn gốc của các chòm sao ngày nay từ tận thời Babylon cổ đại.

Người Babylon có một truyền thống thú vị về bản đồ sao. Họ giữ hai bộ chòm sao riêng biệt cho những mục đích hoàn toàn khác nhau. Một bộ được sử dụng để theo dõi ngày canh tác và đánh dấu các lễ tế cổ xưa. Nhưng một bộ khác lại dành để nhận ra các vị thần. Chính bộ đánh dấu vị thần này cuối cùng đã đến được với người Hy Lạp, tạo thành nền tảng của 12 chòm sao trong Hoàng đạo sau này.

Tham khảo thêm bài: Danh sách các chòm sao trong thiên văn học

 

Các chòm sao cổ đại

Người Babylon cũng không chỉ vẽ những bức tranh về bầu trời. Họ đã khắc chúng lên đá. Vào 3.200 năm trước, họ đã khắc danh mục các ngôi sao đầu tiên được biết đến lên bia đá.

Tuy nhiên, những cái tên được đặt một số ngôi sao đó dường như có nguồn gốc lâu đời hơn, có vẻ như từ người Sumer. Điều này ngụ ý rằng những nhận thức đầu tiên về các vì sao đã kéo dài từ trước cả khi lịch sử được ghi lại.

Những phát triển này cũng không phải là duy nhất xuất hiện đối với phương Tây. Lịch sử tương tự diễn ra tại các mốc thời gian khác nhau, ở các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Và đó là lý do tại sao nhiều nhà sử học coi thiên văn học là ngành khoa học lâu đời nhất.

Vũ Đắc Cường
Dịch từ Astronomy