Theo bạn ai là nhà thiên văn học đầu tiên? Không một qui ước hay một tài liệu nào trên thế giới khẳng định ai có thể được coi là nhà thiên văn học đầu tiên. Câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào cách mà bạn định nghĩa về một nhà thiên văn học.

 

 

 

Nếu như một nhà thiên văn là người quan sát chuyển động của bầu trời một cách đơn thuần, thì các nhà thiên văn đầu tiên có lẽ là những người Trung Quốc cổ từ khoảng 4000 năm trước Công nguyên (Tham khảo thêm : "Thiên văn học và những mốc lịch sử đáng chú ý nhất"). Tuy nhiên những người này cũng như những người Ai Cập sau đó cũng không đưa ra được các dự đoán chính xác về chu kì chuyển động của các thiên thể trong thời kì này.

Những người đầu tiên thực sự đưa ra các mô hình cho vũ trụ và các qui luật chuyển động của thiên thể trên bầu trời phải là những nhà khoa học Hy Lạp cổ đại. Vậy ai có thể coi là người đầu tiên nếu ta định nghĩa về nhà thiên văn theo cách này. Theo tôi đó là Pythagor (hay Pythagoras, 569-475 TCN). Có thể bạn sẽ thắc mắc và đưa ra các gợi ý khác. Tất nhiên như đã nói, chúng ta không có một qui ước cụ thể, do đó bạn hoàn toàn có quyền tự đặt chuẩn mực cho riêng mình, nhưng nếu bạn hỏi tôi, xin giải đáp về một số gợi ý khả quan mà nhiều người có thể đưa ra:
- Thales: người đi trước Pythagor, ông là người đầu tiên tuyên bố Trái Đất có dạng cầu và còn tính được chu kì thời tiết cũng như chu kì nhật thực. Tuy nhiên vấn đề là Thales không đưa ra được mô hình cụ thể cho chuyển động của Trái Đất và các thiên thể.
- Anaximander: Một người cùng thời với Thales, đi xa hơn trong việc khẳng định Trái Đất có chuyển động trong một không gian vô tận (mà ngày nay ta đều biết đó là vũ trụ). Điều đáng nói là các luận điểmnayf của ông chỉ ở mức độ các ý tưởng mơ hồ không đưa ra được cơ sở cụ thể.
- Aristarchus người đi sau Pythagor nhưng lại là người đầu tiên tin rằng Mặt Trời mới là trung tâm vũ trụ. Ông đã đi trước Copernics tới 1750 năm. Nhưng cũng như Anaximander, các ý tưởng của ông chỉ dừng lại là những ý tưởng không hơn.
- Hipparchus và Ptolemy đều là những nhà khoa học lớn và những nhà thiên văn đích thực của thời cổ đại với những quan sát và thống kê tương đối chi tiết, công trình của hai người này đến nay vẫn còn được giữ lại. Tuy vậy lí do để họ không phải là nhà thiên văn đầu tiên lại đơn giản hơn, họ đi sau khá nhiều thời của Thales và Pytagor.

Vậy hãy quay lại với Pythagor. Ông không chỉ là nhà toán học mà còn là một nhà triết học, thiên văn học. Mô hình ông đưa ra là Trái Đất có dạng một hình cầu nằm ở trung tâm vũ trụ. Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh chuyển động trên một mặt cầu trong suốt có cùng tâm với Trái Đất. Đây chính là mô hình đơn giản làm cơ sở sau này cho mô hình địa tâm của Ptolemy - một mô hình tuy không chính xác với thực tế nhưng đã giúp mô tả một cách tương đối và cho phép tính được các chu kì chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh trên thiên cầu.

Nếu bây giờ ta lại định nghĩa về một nhà thiên văn là người không chỉ đưa ra mô hình mà còn là người chứng minh được các mô hình và luận điểm của mình bằng bằng chứng cụ thể, thì chắc chắn theo cách đó nhà thiên văn đầu tiên phải là Galileo Galilei (15/2/1564 - 8/1/1642) (Về phía cá nhân, tôi thích cách định nghĩa này hơn - dù không hề có ý coi thường các đóng góp của các nhà khoa học cổ đại). Điều này hẳn không cần phải bàn cãi nhiều khi chúng ta đều biết rằng Galilei được gọi là cha để của vật lý học thực nghiệm. Bạn không nên thắc mắc tại sao không phải Copernics - người đưa ra mô hình nhật tâm hoàn chỉnh cho Hệ Mặt Trời, lí do rất đơn giản: cũng như các nhà thiên văn cổ, Copernics không chứng minh được mô hình của mình, thậm chí phải đợi đến Kepler người ta mới biết rằng quĩ đạo các hành tinh là elip chứ không phải tròn như Copernics đã dự đoán. Khác với các nhà khoa học đi trước, Galilei phản bác hệ thống vật lý học Aristotle - một hệ thống qui ước rằng thế giới là tĩnh, nếu như bạn thả một hòn đá trên con tàu đang chạy thì nó sẽ rơi lệch đi nhiều vì khi nó chạm tàu thì tàu đã chạy được một đoạn rồi. Ông không đồng tình với việc đưa ra một mô hình khoa học bằng "dự đoán" (mô hình nhật tâm của Copernics thực ra cũng thuộc dạng này) mà cần có các thực nghiệm chứng minh. Nhờ có kính thiên văn, ông chứng minh mô hình nhật tâm và việc Trái Đất không phải là độc nhất bằng cách quan sát các vết đen Mặt Trời, các hành tinh và phát hiện ra 4 vệ tinh của Sao Mộc.

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Xin ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn www.thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này