pi planet

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một hành tinh thú vị mà họ gọi là "Trái Đất pi" (pi Earth). Đây là một hành tinh dạng Trái Đất có quỹ đạo chuyển động quanh ngôi sao của nó theo chu kỳ 3,14 ngày - một quỹ đạo làm chúng ta liên tưởng tới một hằng số toán học phổ quát.

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra những tín hiệu của hành tinh này trong dữ liệu thu được từ năm 2017 bởi nhiệm vụ K2 của kính thiên văn không gian Kepler của NASA. Bằng cách sử dụng một hệ thống kính thiên văn mặt đất có tên là SPECULOOS từ đầu năm nay, nhóm nghiên cứu đã xác nhận được rằng những tín hiệu đó thuộc về một hành tinh chuyển động quanh một sao. Chu kỳ quỹ đạo chính xác của nó là 3,14 ngày.

"Hành tinh này di chuyển đều như đồng hồ," - theo Prajwal Niraula, sinh viên đã tốt nghiệp khoa Khoa học Trái Đất, Khí quyển và Hành tinh (EAPS) của MIT, đồng thời là tác giả chính của bài báo đã công bố trên Astronomical Journal.

Hành tinh mới phát hiện này được ký hiệu là K2-315b, có nghĩa là hành tinh đầu tiên của hệ hành tinh thứ 315 trong dữ liệu đã có của K2.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng K2-315b có bán kính khoảng 0,95 bán kính Trái Đất, có nghĩa là có thể coi rằng nó có kích thước cỡ Trái Đất. Nó chuyển động trên quỹ đạo quanh một sao lạnh khối lượng thấp có kích thước khoảng 1/5 Mặt Trời. Hành tinh này quay quanh sao mẹ của nó theo chu kỳ 3,14 ngày, với vận tốc quỹ đạo 81 km/s.

Mặc dù khối lượng của nó chưa được xác định, các nhà khoa học cho rằng K2-315b là một hành tinh đá giống như Trái Đất. Tuy vậy, nó có lẽ không thể sống được khi mà quỹ đạo của nó ở quá gần ngôi sao, khiến cho nhiệt độ bề mặt có thể lên tới 450 K (177 độ C) - một nhiệt độ đủ để nướng bánh.

Mặc dù vậy, Niraula nói thêm rằng ngoài việc có liên quan tới hằng số pi trong toán học (mà thực tế thì chỉ thú vị chứ sự trùng hợp này không có ý nghĩa gì về vật lý) thì hành tinh này có thể là một đối tượng nhiều tiềm năng để nghiên cứu khí quyển của nó.

Hình ảnh bạn thấy ở đầu bài viết này chỉ là hình vẽ minh họa của MIT.

Bryan
Theo Space Daily