Jupiter and Saturn

Tháng 8 năm nay là một thời điểm tuyệt vời để quan sát các hành tinh trong Hệ Mặt Trời đối với những nơi có một bầu trời trong. Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ và thậm chí Sao Thiên Vương đều có thể được quan sát trong khoảng thời gian này.

 

Sao Mộc và Sao Thổ

Sao Mộc (Jupiter) và Sao Thổ (Saturn) luôn là hai hành tinh thú vị nhất để quan sát, nhất là khi bạn có một chiếc kính thiên văn hoặc ống nhòm. Sao Mộc vừa tới vị trí trực đối vào ngày 14 tháng 7 vừa qua, còn Sao Thổ thì chỉ sau đó sáu ngày - tức là ngày 20 tháng 7. Vị trí trực đối của một hành tinh đối với Trái Đất là khi hành tinh đó nằm ở vị trí đối diện với Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất, nói cách khác là vị trí mà Trái Đất nằm xen vào giữa và gần thẳng hàng nhất với so với hành tinh đó và Mặt Trời (tất nhiên, Sao Thủy và Sao Kim không có vị trí này vì chúng nằm gần Mặt Trời hơn so với Trái Đất). Vì thế, khi một hành tinh ở vị trí đo, nó dễ dàng được quan sát nhất do đồng thời hai lý do: nó nằm gần Trái Đất nhất có thể so với các vị trí quỹ đạo khác, và toàn bộ phần được Mặt Trời chiếu sáng của nó hướng về phía Trái Đất.

Sang tháng 8, thời điểm hai hành tinh này nằm ở vị trí trực đối vẫn chưa quá xa. Do đó chúng vẫn rất dễ dàng được quan sát. Vào những tối tháng 8 này, Sao Mộc và Sao Thổ mọc khá sớm trên bầu trời phía Đông - Đông Nam. Nếu trời quang mây và có một góc nhìn đủ rộng, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự có mặt của chúng ngay cả ở những đô thị có mức độ ô nhiễm cao nhất như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Chúng là hai điểm sáng nằm khá gần nhau và nổi bật trên nền trời phía Đông Nam từ khi trời bắt đầu tối. Tại những nơi có mức độ ô nhiễm thấp, đủ để bạn nhìn thấy các ngôi sao và chòm sao, bạn có thể nhận thấy chúng có vị trí ở khu vực phía Đông của chòm sao Sagittarius (Cung Thủ) - một chòm sao Hoàng đạo rất dễ nhận diện cùng với đồng hành của nó gần đó là Scorpius (Bọ Cạp).

Với một chiếc kính thiên văn nhỏ, Sao Mộc và Sao Thổ sẽ trở nên đẹp hơn rất nhiều. Qua kính thiên văn, bạn có thể màu vàng sáng của Sao Thổ và những sọc sáng-tối trên bền mặt Sao Mộc nếu điều kiện quan sát đủ tốt. Vành đai nổi tiếng của Sao Thổ cùng như 4 vệ tinh Galileo của Sao Mộc cũng là những đối tượng không quá khó để phát hiện qua kính thiên văn (dù qua các kính nghiệp dư thì 4 vệ tinh này chỉ hiện lên dưới dạng 4 chấm sáng khá mờ nhạt).

 

Sao Hỏa và Sao Thiên Vương

Hành tinh Đỏ hiển nhiên cũng luôn là một điểm sáng đáng chú ý trên bầu trời. Nó mọc lên muộn hơn nên phải tới gần giữa đêm bạn mới thấy nó nằm đủ cao để quan sát rõ trên bầu trời phía Đông. Lúc đó Sao Mộc và Sao Thổ đã dịch chuyển sang bầu trời phía Tây và sẽ lặn sau nửa đêm.

Sao Hỏa thời gian này nằm trong khu vực của chòm sao Cetus (chòm sao mang tên của con quái vật biển do thần Poseidon cử tới tàn phá vùng đất của Cepheus và đòi hiến tế công chúa Andromeda, để rồi sau đó bị Perseus giết chết).

Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy Sao Hỏa bằng mắt thường và nó cũng khá nổi bật trên bầu trời phía Đông. Khá gần đó, cũng trong chòm sao Cetus là hành tinh thứ 7 của Hệ Mặt Trời: Sao Thiên Vương. Mặc dù về lý thuyết, hành tinh này có thể được nhận ra bằng mắt thường. Tuy nhiên nó mờ nhạt tới mức ngay cả ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng nhất thì nó cũng chỉ là một cái chấm mờ và không hề có gì đáng chú ý. Vì vậy, bạn sẽ chỉ nên quan tâm tới hành tinh này nếu như có đồng thời một bầu trời rất trong mà một chiếc kính thiên văn.

Nếu như có một chiếc kính thiên văn để quan sát Sao Hỏa (Mars) và Sao Thiên Vương (Uranus), thì thiên hà Andromeda ở khá gần đó cũng sẽ là một điểm đáng chú ý của bầu trời vào lúc nửa đêm tháng 8 này. Nó nằm trong chòm sao Cassiopeia, phía Bắc của Cetus (như mũi tên màu đỏ trong hình).

 

Sao Kim

Khoảng thời gian từ 3h sáng cho tới khi Mặt Trời mọc của toàn bộ tháng 8 này, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy Sao Kim (Venus) ở bầu trời phía Đông. Đây là lúc mà người phương Đông trước đây gọi nó là Sao Mai (ngôi sao xuất hiện vào lúc ban mai). Khác với Sao Mộc và Sao Thổ, khi quan sát Sao Kim qua kính thiên văn bạn sẽ khó tìm thấy điểm gì khác biệt, vì nó vốn là một hành tinh được bao phủ bởi một lớp khí quyển dày màu vàng sẫm, không hơn. Ngược lại, khi nhìn bằng mắt thường, nó luôn là điểm sáng đáng chú ý nhất, nổi bật hơn bất cứ hành tinh hay ngôi sao nào khác trên bầu trời đêm.

Vào khoảng đầu tháng 8, Sao Kim có vị trí ở phía Bắc của chòm sao Orion - một chòm sao rất dễ được nhận biết khi trời quang mây bởi ba ngôi sao thẳng hàng tạo thành cái thắt lưng của chàng thợ săn, cùng hai ngôi sao sáng nổi bật khác của nó là Rigel và Betelgeuse. Đến giữa tháng 8, vị trí của Sao Kim dịch chuyển dần sang khu vực của chòm sao Gemini.

 

Và hơn thế nữa...

Đừng quên rằng, một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm - mưa sao băng Perseids - diễn ra trong suốt tháng 8 này mà cực điểm sẽ là rạng sáng 12 -13 tháng 8. Nếu thời tiết thuận lợi, đây sẽ là sự kiện thiên văn đáng chú ý nhất trong giai đoạn cuối mùa hè này.

VACA

- Các hình ảnh được chụp từ phần mềm Stellarium.