solar eclipse

Hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất năm 2020 sẽ diễn ra vào chiều ngày 21 tháng 6 tới đây: nhật thực một phần. Với tỷ lệ che phủ tương đối lớn, đây sẽ là hiện tượng hấp dẫn đối với người yêu thích quan sát bầu trời ở Việt Nam không chỉ của năm nay mà còn trong nhiều năm sắp tới.

 

Nhật thực là gì?

Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời trong khi Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất. Mỗi chu kỳ của mình, Mặt Trăng đi vào vị trí nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời một lần. Tuy nhiên, vì hai quỹ đạo lệch nhau khoảng 5 độ nên không phải lần nào Mặt Trăng cũng đi cắt qua đường nối Trái Đất và Mặt Trời. Nói cách khác, nhiều lần Mặt Trăng đi vào giữa (thời điểm "Trăng mới" (New Moon), đêm không Trăng) mới có một lần ba thiên thể (Mặt Trời - Mặt Trăng - Trái Đất) thẳng hàng.

Khi ba thiên thể thẳng hàng với Mặt Trăng nằm ở giữa, nó che khuất Mặt Trời khiến người quan sát từ Trái Đất thấy một phần hoặc toàn bộ Mặt Trời bị tối đen lại. Điều thú vị là, vì Mặt Trăng có đường kính nhỏ hơn khoảng 400 lần so với Mặt Trời và khoảng cách từ nó đến Trái Đất cũng nhỏ hơn khoảng 400 lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời, nên Mặt Trăng có thể che vừa khít đĩa sáng Mặt Trời. Sự tình cờ này của tự nhiên đã mang tới may mắn cho loài người khi có những cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần. Tuy vậy, nhật thực toàn phần thường diễn ra trong một phạm vi nhỏ, vì bóng của Mặt Trăng in xuống Trái Đất chỉ tạo thành một vết rất nhỏ và lướt đi rất nhanh. Những khu vực lân cận còn lại có thể quan sát nhật thực một phần. Hai lần Nhật thực toàn phần liên tiếp xảy ra tại cùng một vị trí thường cách nhau khá lâu.

Nhờ nhật thực, một phần lớn ánh sáng của Mặt Trời chiếu trực tiếp tới vị trí của người quan sát trên Trái Đất bị che khuất. Đó là cơ hội để các nhà khoa học quan sát được ánh sáng từ các sao hoặc thiên hà ở xa phía sau Mặt Trời, nhờ đó mà từ năm 1919, lần đầu tiên một dự đoán của thuyết tương đối rộng của Albert Einstein đã được kiểm chứng: Ánh sáng từ các thiên thể ở xa bị bẻ cong khi đi qua gần rìa của Mặt Trời do trường hấp dẫn của Mặt Trời gây ra.

Có hai dạng nhật thực cơ bản là nhật thực toàn phần (toàn bộ Mặt Trời bị che khuất) và nhật thực một phần (chỉ một phần bị che khuất). Ngoài ra có một nhật thực hiếm xảy ra hơn là nhật thực hình khuyên, toàn bộ Mặt Trăng đi vào khu vực đĩa sáng của Mặt Trời nhưng do sai lệch về khoảng cách nên nó không che hết Mặt Trời mà để lộ ra một vành sáng như một chiếc khuyên.

 

Nhật thực diễn ra ngày 26/12/2019 là nhật thực hình khuyên. Tuy nhiên tại Việt Nam, chúng ta sẽ chỉ quan sát được nhật thực một phần.

 

Nhật thực ngày 21 tháng 6 tới có gì đặc biệt?

Đa số các lần xày ra nhật thực, chỉ có một phần nhỏ các khu vực trên thế giới có thể quan sát được. Thậm chí, có những nhật thực mà khu vực quan sát được hầu hết năm ở đại dương hoặc gần một trong hai địa cực - những nơi không có người sinh sống để có thể quan sát. Tuy nhiên, trong lần nhật thực tháng 6 này, một khu vực rất rộng lớn chạy xuyên suốt châu Phi và châu Á có thể quan sát được. Tại Việt Nam, mặc dù không thể quan sát được nhật thực hình khuyên như ơr một số nơi khác, nhưng người yêu thích bầu trời vẫn có thể quan sát được hiện tượng này dưới dạng nhật thực một phần với độ che phủ không hề nhỏ.

Đáng chú ý hơn nữa, và có lẽ cũng là đáng tiếc, hiện tượng này sẽ xảy ra không hề nhiều trong tương lai gần. Trong khi người quan sát ở các địa phương phía Nam (chẳng hạn như TP. Hồ Chí Minh) sẽ có cơ hội quan sát được 3 lần nhật thực trong vòng 10 năm tới vào các năm 2022, 2026 và 2029; thì với khu vực phía Bắc (chẳng hạn như Hà Nội) có thể nói rằng sẽ không có nhật thực nào khác trong một thập kỷ tới bởi hai lần nhật thực vào tháng 7 năm 2028 và tháng 1 năm 2030 mà khu vực quan sát được sẽ có độ che phủ rất không đáng kể. Nhật thực đáng chú ý tiếp theo với người ở Hà Nội và các tỉnh thành ở khu vực phía Bắc sẽ diễn ra vào tháng 5 năm 2031 - tức là 11 năm nữa.

Vì những lý do này, chắc chắn rằng nhật thực tới đây sẽ là hiện tượng rất thú vị và có giá trị với những ai yêu thích quan sát thiên văn.

Nhật thực một phần do VACA quan sát và ghi hình này 26 tháng 12 năm 2019.

 

Quan sát như thế nào?

Nhật thực lần này được quan sát dưới dạng hình khuyên ở các quốc gia gồm: Cộng hòa Trung Phi, Công, Ethiopia, phía Nam Pakistan, phía Bắc Ấn Độ và một phần của Trung Quốc. Ngoài các địa điểm đó, nhật thực vẫn có thể được quan sát dưới dạng một phần ở Đông và Bắc châu Phi, một phần Đông Nam châu Âu, hầu hết châu Á và một phần nhỏ ở Bắc Australia.

Việt Nam nằm ở khu vực có thể quan sát được nhật thực với độ che phủ rất đáng chú ý, cụ thể là 77% đối với Hà Nội, 65% đối với Đà Nẵng và 48% đối với TP. Hồ Chí Minh (các tỉnh thành khác ở lân cận hai thành phố này có độ che phủ chênh lệch một chút, càng xa độ lệch càng lớn).

 

Dưới đây là lịch trình diễn ra nhật thực tại ba thành phố nêu trên, đại diện cho ba khu vực của Việt Nam. Người quan sát tại các khu vực khác có thể tự ước tính ra khoảng thời gian tại vị trí của mình bằng cách lấy sai số một chút theo thành phố gần nhất.

Để quan sát nhật thực, về mặt không gian bạn chỉ cần một bầu trời quang mây và góc nhìn đủ để nhìn thấy Mặt Trời, tức là dễ dàng hơn nhiều so với khi quan sát những hiện tượng như mưa sao băng hay theo dõi các hành tinh qua kính thiên văn.

Dù vậy, để quan sát nhật thực một cách an toàn nhất, không gây hại cho đôi mắt của mình, bạn nên chuẩn bị cho mình như thiết bị phù hợp: kính lọc sáng dành cho mắt, lớp lọc chuyên dụng dành cho kính thiên văn (nếu quan sát bằng kính thiên văn).

Hãy đọc bài sau để nắm rõ hơn về các phương pháp an toàn trong quan sát nhật thực: Cách an toàn để quan sát nhật thực.

Một hiện tượng đi theo cặp với nhật thực này sẽ diễn ra trước là nguyệt thực nửa tối có thể được quan sát vào rạng sáng ngày 06/06. Nếu điều kiện thời tiết lý tưởng, bạn sẽ dễ dàng quan sát hiện tượng này, mặc dù nguyệt thực nửa tối sẽ không có sự biến đổi đáng kể của Mặt Trăng.

Đặng Vũ Tuấn Sơn
- Chủ tịch VACA -