exoplanet

Các nhà thiên văn học đã xem lại dữ liệu lưu trữ của kính thiên văn không gian Kepler và tìm thấy bằng chứng về một ngoại hành tinh dạng Trái Đất đã bị bỏ qua trước đây. Có vẻ như hành tinh này có một số điều kiện phù hợp cho sự sống.

Bị chôn vùi trong dữ liệu của Kepler, ngoại hành tinh này mới đây đã được phát hiện bởi các nhà thiên văn học khi họ xem lại dữ liệu lưu trữ này. Nó nằm cách chúng ta khoảng 300 năm ánh sáng và có thể là một nơi đầy hứa hẹn cho sự sống. Hành tinh này có tên là Kepler-1649 c. Nó lớn hơn Trái Đất một chút, nhưng thay vì chuyển động quanh một ngôi sao dạng Mặt Trời thì nó có quỹ đạo quanh một sao lùn đỏ nhỏ, một loại sao có hoạt động khá mạnh mẽ. Nhưng mặc dù ở gần một mối đe dọa như vậy, Kepler-1649 c nằm trong vùng sống được của ngôi sao - một khu vực cho phép nước tồn tại ở thể lỏng trên bề mặt của hành tinh.

Ngoại hành tinh này có đường kính chỉ hơn Trái Đất 6%. Nó nhận được ánh sáng từ ngôi sao của nó tương đương với 75% ánh sáng mà Trái Đất nhận được từ Mặt Trời. Hai yếu tố này khiến cho nó là một nơi có nhiều tiềm năng cho sự sống. Qua việc nghiên cứu những hành tinh dạng Trái Đất như Kepler-1649 c, các nhà khoa học sẽ tiếp tục hướng tới việc hiểu một cách đầy đủ hơn về khả năng phân bố sự sống trong vũ trụ (nếu đúng là có nơi nào đó có sự sống ngoài hành tinh của chúng ta).

Phát hiện mới này đã được công bố hôm mùng 1 tháng 4 trên Astrophysical Journal Letters.

Kepler-1649 c: một hành tinh đặc biệt giống Trái Đất.

Vẫn còn nhiều điều mà các nhà thiên văn chưa biết về hành tinh này, bao gồm khí quyển của nó và việc liệu nó có bị tấn công bởi những quầng lửa tới từ sao lùn đỏ khiến cho sự sống không thể tồn tại. Tuy nhiên, dù sao thì việc phát hiện ra ngoại hành tinh này cũng củng cố hi vọng rằng dường như các hành tinh dạng Trái Đất không hiếm như kết quả của các quan sát trước đây.

So sánh kích thước của Trái Đất và Kepler-1649 c. (Hình ảnh của Kepler-1649 c chỉ là thể hiện của họa sĩ trên máy tính, các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời đều không thể chụp ảnh chi tiết như vậy).

 

Nhìn lại dữ liệu của Kepler

Vào cuối năm 2018, khi Kepler đã sắp cạn kiệt năng lượng, NASA đã quyết định cho kính thiên văn không gian này dừng hoạt động, kết thúc một giai đoạn gần một thập kỷ săn lùng các hành tinh tương tự Trái Đất của nó. Nhưng cho dù Kepler đã dừng hoạt động, các nhà thiên văn vẫn tiếp tục rà soát dữ liệu được lưu trữ của nó để tìm kiếm những hành tinh đã bị bỏ qua.

Để tìm kiếm bằng chứng về các ngoại hành tinh trong dữ liệu của Kepler, các nhà thiên văn tìm kiếm những sự sụt giảm độ sáng rất nhỏ ở các ngôi sao ở xa. Đây được gọi là phương pháp quá cảnh. Tới nay, nhờ phương pháp này, họ đã khám phá ra hơn 2.000 ngoại hành tinh được xác nhận cùng khoảng 2.500 ứng viên đầy hứa hẹn nữa trong dữ liệu của Kepler. Một số trong đó được quan sát một cách rõ ràng, nhưng cũng có những tín hiệu còn mơ hồ, chẳng hạn như khi một hành tinh nhỏ dạng Trái Đất có quỹ đạo rộng chuyển động qua phía trước sao chủ của nó, nó chỉ có thể chặn bớt một phần ánh sáng rất nhỏ.

Tuy nhiên, thuật toán mà các nhà thiên văn thường sử dụng để phân tích dữ liệu của Kepler có thể làm một số hành tinh bị bỏ qua. Việc này một phần là do sự lướt qua phía trước của hành tinh không phải là lý do duy nhất khiến một ngôi sao sụt giảm độ sáng. Chẳng hạn, những đám bụi chuyển động quanh ngôi sao có thể dẫn tới tín hiệu tương tự như của các hành tinh. Các thuật toán được viết để loại trừ các tín hiệu quá mơ hồ. Nhưng chính điều đó khiến cho một số hành tinh có thể bị bỏ qua vì tín hiệu không đủ rõ ràng của chúng.

Vì vậy, trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã quyết định kiểm tra lại những tín hiệu đã bị bỏ qua trước đó trong dữ liệu của Kepler để tìm kiếm thêm các ngoại hành tinh chưa được biết tới. Đó là cách mà họ đã tìm ra Kepler-1649 c.

Jeff Coughlin - một nhà khoa học ở viện SETI và là đồng tác giả của bài báo - cho biết: "Tôi thật không thể tin nổi rằng chúng tôi vừa tìm ra nó, 7 năm sau khi việc thu thập dữ liệu đã được dừng lại đối với trường quan sát ban đầu của Kepler."

Một đồng tác giả khác của bài báo đã công bố là Andrew Vanderburg ở Đại học Texas nói: "Càng nhiều dữ liệu chúng tôi có được, càng có nhiều dấu hiệu chỉ ra rằng những ngoại hành tinh dạng Trái Đất có tiềm năng cho sự sống là phổ biến quanh các sao dạng này. Với việc các sao lùn đỏ ở khắp nơi trong thiên hà của chúng ta cùng với những hành tinh đá nhỏ có tiềm năng cho sự sống quanh chúng, có một cơ hội tươi sáng hơn rằng một trong số chúng có thể không quá khác biệt so với Trái Đất của chúng ta."

R.T
Theo Astronomy