Lunar Telescope

NASA đang tài trợ cho một đề xuất giai đoạn đầu về việc xây dựng một kính thiên văn dạng lưới trong một miệng núi ở mặt sau của Mặt Trăng.

Nơi thường được gọi là "mặt tối của Mặt Trăng" là phần bề mặt không bao giờ hướng về phía Trái Đất. Điều đó khiến nó có được một góc nhìn tuyệt vời vào vũ trụ, không bị nhiễu loạn bởi các sóng vô tuyến nhân tạo và bầu khí quyển dày của hành tinh chúng ta.

Kính thiên văn được dự định xây dựng này là một kính vô tuyến sử dụng để thu các sóng vô tuyến có bước sóng cực dài, tên của nó sẽ là "Lunar Crater Radio Telescope" (Kính thiên văn văn vô tuyến trong miệng núi ở Mặt Trăng) và sẽ có những lợi thế lớn khi so sánh với các kính thiên văn đặt trên Trái Đất. Đó là điều mà tác giả của ý tưởng Saptarshi Bandyopadhyay - một chuyên gia về công nghệ robot ở Phòng thí nghiệm phản lực (JPL) của NASA - viết trong đề xuất của mình.

Theo Bandyopadhyay, chương trình phát triển các ý tưởng đổi mới của NASA đang tài trợ số tiền 125.000 USD cho giai đoạn 1 của nghiên cứu này để hiểu rõ hơn về tính khả thi của việc xây dựng một kính thiên văn như vậy.

Kính thiên văn này được thiết kế có dạng lưới thép, sẽ được triển khai ở một miệng núi rộng từ 3 tới 5 km ở mặt sau của Mặt Trăng. Kính sẽ có đường kính 1 km và được lắp đặt bằng cách sử dụng các DuAxel Rover hoặc các robot trèo tường của NASA.

Nếu được xây dựng, đây sẽ là kính thiên văn có khẩu độ lớn nhất Hệ Mặt Trời. Nó là một kính thiên văn văn vô tuyến sử dụng một chảo thu duy nhất thay vì tập hợp dữ liệu từ nhiều chảo thu như nhiều đài thiên văn hiện có trên Trái Đất.

Hình ảnh so sánh, nhiều người nói vui rằng sau khi kính này được xây dựng, Mặt Trăng sẽ nhìn giống như một chiếc Death Star trong phim Star Wars.

 

Vì ở mặt sau của Mặt Trăng, kính thiên văn này sẽ tránh được nhiễu loạn do sóng vô tuyến nhân tạo trên Trái Đất, của các vệ tinh và thậm chí nhiễu vô tuyến từ Mặt Trời trong những đêm Trăng sáng. Nó cũng sẽ cho phép chúng ta nhìn thẳng vào vũ trụ mà không bị cản trở bởi khí quyển Trái Đất.

Khí quyển làm phản xạ những sóng tần số thấp với bước sóng trên 10 mét, và vì thế khiến các kính thiên văn mặt đất không thể thu được chúng. Theo Bandyopadhyay thì kính thiên văn này "có thể mang lại những khám phá khoa học lớn trong lĩnh vực vũ trụ học nhờ việc quan sát vũ trụ sớm ở dải bước sóng từ 10 tới 50 mét - những thứ chưa hề được con người khám phá cho tới nay."

Bryan
Theo Livescience