Sử dụng dữ liệu từ dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT), một nhóm các nhà khoa học đã dựng được những hình ảnh của quasar NRAO 530. Kết quả này đã được công bố trên The Astrophysical Journal.
Các quasar là những nhân thiên hà hoạt động được cho rằng có nguồn năng lượng từ các lỗ đen (chủ yếu là các lỗ đen siêu nặng). Mặc dù lỗ đen không phát ra ánh sáng, vật chất bị chúng kéo vào phát ra bức xạ rất mạnh do bị làm nóng lên, và những đám vật chất bồi tụ sáng nhất trong số đó được biết tới là ở các quasar. Trong nghiên cứu của mình, các nhà thiên văn học và vật lý thiên văn đã phân tích dữ liệu từ nhiều kính thiên văn trên khắp thế giới đang tham gia vào EHT - chính là dự án đã mang lại hình ảnh đầu tiên về lỗ đen siêu nặng ở trung tâm thiên hà của chúng ta: Sagittarius A*, viết tắt là Sgr A*.
Ngoài bức xạ phát ra từ chính vật chất bị rơi vào lỗ đen, còn có bức xạ phát ra từ phần vật chất cũng bị cuốn vào và làm nóng lên nhưng không rơi hẳn qua chân trời sự kiện. Phần vật chất này được làm nóng tới mức chuyển về dạng plasma và lao nhanh qua phía ngoài lỗ đen như những dòng phản lực.
Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập bởi EHT từ năm 2017. Ban đầu nó được sử dụng để dựng lại hình ảnh của Sgr A*. Với khoảng cách 7,5 tỷ năm ánh sáng, việc dựng ảnh của NRAO 530 tỏ ra khó khăn hơn rất nhiều. Nghiên cứu về quasar này cho thấy nó là một loại được gọi là một blazar - loại quasar các dòng phản lực có hướng chỉ về phía Trái Đất.
Các hình ảnh của EHT về NRAO 530 (Hình ở đầu bài viết này chỉ là hình vẽ minh họa).
Bằng cách kết hợp dữ liệu từ nhiều kính thiên văn, nhóm nghiên cứu đạo tạo ra được hai hình ảnh. Cả hai đều cho thấy độ sáng ở phần phía Nam của một dòng phản lực, mà các nhà nghiên cứu cho rằng đó là một cái nhân phát ra bức xạ mạnh ở dải vô tuyến. Độ phân giải của những ảnh này đủ để có thể thấy được hai phần của cái nhân này. Nhóm nghiên cứu cũng đã tính được độ phân cực của ánh sáng phát ra từ những phần khác nhau của những cấu trúc có thể được thấy trong hình, cũng như lập bản đồ từ trường của các dòng phản lực.
Bryan
Theo Phys.org