Tarantula

Tinh vân Tarantula là vườn ươm sao lớn nhất đã được biết đến, ở rìa của nó là một phòng thí nghiệm tự nhiên của các ngôi sao, nơi giúp các nhà thiên văn học điều tra nguồn gốc của các ngôi sao lớn.

Kính thiên văn không gian Hubble đã chụp bức ảnh chi tiết này của một đám mây vũ trụ đang phát sáng, được đặt tên LHA 120-N 150, ở rìa của tinh vân Tarantula. Nằm cách Trái Đất 160.000 năm ánh sáng, trong thiên hà LMC (Mây Magellan Lớn), LHA 120-N 150 được coi là nơi ẩn náu của nhiều sao trẻ và một số đám bụi. Bằng cách nghiên cứu các khu vực như thế này, các nhà thiên văn học đang có được một cái nhìn thoáng qua về nguồn gốc của các sao khổng lồ.

Tinh vân Tarantula được biết đến là nơi ra đời hàng loạt sao nặng. Trên thực tế, ngôi sao lớn nhất đã biết là RMC 136a1 cũng nằm ở Tarantula. Nhưng các nhà thiên văn học không biết chính xác cách mà các sao nặng này hình thành. Mô hình chỉ ra rằng chúng nên được sinh ra cùng nhau, trong khi những quan sát cho thấy một tỷ lệ không nhỏ (khoảng 10%) các sao nặng như vậy ra đời một cách đơn lẻ.

May mắn thay, nhờ việc không có bụi vũ trụ che ánh sáng từ tinh vân Tarantula và LHA 120-N 150, các nhà thiên văn học có thể dễ dàng thăm dò hoạt động rất sớm của những ngôi sao khổng lồ trong đó. Nhưng rất khó để xác định được nguồn sáng là một ngôi sao trẻ hay một đám mây bụi dày đặc, ngôi sao được sinh ra một mình hay chỉ đơn giản là bị đẩy ra khỏi vườn ươm.

Hình ảnh này cung cấp quá ít dữ liệu để trả lời những câu hỏi đó. Nhưng bằng cách thu thập nhiều quan sát hơn về các khu vực như LHA 120-N 150 và phân tích chặt chẽ toàn bộ, các nhà thiên văn học hy vọng sẽ nắm được đáp án cho câu hỏi: liệu các ngôi sao khổng lồ hình thành theo nhóm hay độc lập.

Tiếp theo, các nhà thiên văn học sẽ tiếp tục kiểm tra những cấu trúc giống như Tarantula để xác định những khu vực đáng chú ý khác tương tự LHA 120-N 150, qua đó có thể giúp họ giải mã bí mật của các sao nặng.

Đắc Cường
Theo Astronomy