solar plasma cells

Kính thiên văn Mặt Trời mới Daniel K. Inouye ở Hawaii đã ghi lại những bức ảnh và đoạn phim đầu tiên về Mặt Trời ở độ phân giải cao nhất từ trước đến nay, cho thấy các chi tiết trên bề mặt Mặt Trời với kích thước khoảng 18 dặm (khoảng 29 km).

Kính thiên văn Mặt Trời Daniel K. Inouye nằm trên núi lửa Haleakala ở đảo Maui. Với một gương chính rộng 4 mét, nó là kính thiên văn theo dõi Mặt Trời lớn nhất trên Trái Đất và có thể quan sát các chi tiết nhỏ hơn trên bề mặt Mặt Trời so với trước đây. Với các thiết bị phức tạp và độ phân giải cao của kính thiên văn, các nhà khoa học hy vọng sẽ hiểu rõ hơn những bí ẩn còn lại về ngôi sao gần chúng ta nhất này.

 

Một ngôi sao "sủi bọt"

Hình dạng như các hạt trong bức ảnh đầu tiên của kính thiên văn này là những khối plasma trên bề mặt Mặt Trời. Plasma nóng từ bên trong Mặt Trời nổi lên trên bề mặt, sau đó nguội đi và chìm xuống trong một quá trình gọi là đối lưu, giống như nước sủi bọt trong nồi nước đang sôi.

Các phần nóng hơn nơi plasma mới vừa nổi lên từ bên dưới là phần sáng trong bức ảnh, trong khi phần tối là những chỗ plasma lạnh hơn chìm xuống. Mỗi hạt trong hình ảnh này có kích thước gần bằng bang Texas.

Các chuyển động sủi bọt của plasma nóng ở Mặt Trời gắn liền với một số bí ẩn lớn nhất còn lại về ngôi sao của chúng ta. Bởi vì plasma tích điện nên chuyển động của nó có thể tạo ra từ trường. Từ trường của Mặt Trời là nguyên nhân của nhiều hiện tượng động lực học dữ dội nhất của nó, ví dụ như những cơn bão mặt trời có thể làm hư hại các vệ tinh và mạng lưới điện trên Trái Đất.

“Hầu hết các cơn bão Mặt Trời bắt nguồn từ những vùng có từ tính mạnh, tập trung lực từ mạnh trên Mặt Trời”, Rebecca Centano Elliott, một nhà khoa học nghiên cứu về Mặt Trời tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (Mỹ) cho biết.

 

Những bí ẩn về từ tính

Việc có thể hiểu rõ hơn và theo dõi từ trường trên Mặt Trời có thể cho phép các nhà nghiên cứu đưa ra dự đoán tốt hơn khi nào những cơn bão Mặt Trời nguy hiểm sẽ xảy ra.

Nhiều thiết bị của kính thiên văn này rất phù hợp để nghiên cứu từ trường vì chúng có thể đo được các thuộc tính của ánh sáng ngoài độ sáng và màu sắc mang thông tin về lực từ trong khí quyển của Mặt Trời.

Thêm vào đó, khả năng thu được nhiều chi tiết nhỏ hơn trên bề mặt Mặt Trời chưa từng có của kính thiên văn này sẽ giúp các nhà khoa học kiểm tra các lý thuyết về hoạt động của Mặt Trời mà các quan sát trước đó không làm được.

“Tôi cho rằng đây là một bước nhảy vọt lớn trong quan sát”, Centano Elliott nói.

Gia Linh
Theo Astronomy