supernova

Supernova siêu sáng SN 2006gy có hể là kết quả của việc một sao lùn trắng nhỏ và đặc chuyển động xoắn vào lõi của sao khổng lồ đồng hành.

Nhiều sao kết thúc vòng đời của chúng bằng những vụ nổ được gọi là supernova. Một số vụ nổ trong số đó sáng hơn nhiều so với những vụ nổ khác, giải phóng năng lượng có thể lớn gấp tới 100 lần. Các nhà thiên văn học gọi chúng là các "supernova siêu sáng". Cho tới nay, nguyên nhân thực sự của những vụ nổ như vậy vẫn còn chưa được biết rõ.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã đề xuất kịch bản cho một trong những supernova siêu sáng đó: SN 2006gy. Họ gợi ý rằng vụ nổ này đã xảy ra trong một hệ kép, khi một sao lùn trắng đặc và nhỏ chuyển động xoắn về phía lõi của sao khổng lồ đồng hành.

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trong một bài báo đăng ngày 23/01 vừa qua trên tạp chí Science.

 

Một vụ nổ kỳ lạ

Vào năm 2006, các nhà thiên văn học đã phát hiện một supernova siêu sáng. Họ đặt tên nó là SN 2006gy, nó là vụ nổ sáng nhất được ghi nhận tính tới thời điểm đó.

Sau đó, một nhóm nghiên cứu do Koji Kawabata (hiện làm việc ở Đại học Hiroshima, Nhật Bản) đứng đầu đã thu được hình ảnh chi tiết hơn cho thấy supernova này phát ra ánh sáng ở nhiều bước sóng. Họ thấy rằng SN 2006gy phát ra bức xạ ở những bước sóng chưa từng thấy ở các supernova trước đó.

Anders Jerkstrand - một nhà thiên văn học ở Đại học Stockholm - nói: "Đó thật sự là một bí ẩn thú vị." Ông đã phối hợp cùng Kawabata và một nhà nghiên cứu khác để tìm xem điều gì đã xảy ra trong trường hợp này.

 

Một cách giải thích mới

Bằng cách lập mô hình các nguyên tố có thể sinh ra các bước sóng ở SN 2006gy, nhóm nghiên cứu thấy rằng vụ nổ sao này có chứa rất nhiều sắt. Điều đó nói lên rằng ngôi sao phát nổ cần là một sao lùn trắng thay vì một ngôi sao lớn tự sụp đổ.

Các bước sóng ở SN 2006gy cũng cho thấy vụ nổ có sự va chạm và tương tác với một lớp vỏ khí di chuyển chậm bao quanh ngôi sao - giống như các nhà thiên văn đã chỉ ra trước đây. Vụ va chạm có thể đã khiến cho vụ nổ chuyển hóa rất nhiều năng lượng thành dạng ánh sáng, tạo ra một supernova sáng như vậy - Jerkstrand nói.

Nhưng nhóm nghiên cứu thấy rằng lớp vỏ khí cần được giải phóng ra trước khi supernova diễn ra khoảng 100 năm hoặc hơn - một giai đoạn có thể coi là không đáng kể tới khi xét trên thang thời gian thiên văn. Như vậy phải có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, hoặc là hai sự kiện này thực sự có liên kết với nhau.

Từ đó, nhóm nghiên cứu đi tới một kịch bản mới để giải thích hai hiện tượng này. Một sao lùn trắng đặc và một sao khổng lồ với khí quyển mở rộng chuyển động quanh nhau. Chúng ở gần nhau tới mức quỹ đạo của sao lùn trắng nằm bên trong của lớp ngoài khí quyển sao khổng lồ. Kết quả là sao lùn trắng chuyển động xoắn dần về phía lõi của sao lớn hơn và đẩy khí ra phía ngoài.

Nếu sao lùn trắng va chạm với lõi của sao đồng hành lớn hơn và gây ra supernova, vụ nổ sẽ tương tác với khí đang trên đường bị đẩy ra, như các nhà thiên văn đã quan sát được. Nhưng nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định chắc chắn rằng kịch bản này là việc đã xảy ra với SN 2006gy.

"Điều mà chúng tôi nói là nếu việc đó xảy ra, bạn sẽ có một supernova giống như 2006gy," Jerkstrand nói.

Bryan
Theo Astronomy