Planet collision

Dường như các hành tinh có thể va chạm vào nhau muộn hơn nhiều trong cuộc đời của chúng so với những gì các nhà thiên văn học từng nghĩ.

Các hệ hành tinh đều ra đời trong những môi trường khắc nghiệt.

Lấy ví dụ về chúng ta: Trái Đất gần như đã nguội lạnh cách đây 4,5 tỷ năm trước khi nó bị một tảng đá cỡ Sao Hỏa đâm vào khiến cả hai bắn ra khỏi mình những khối cầu dung nham khổng lồ. Các nhà khoa học tin rằng vụ tai nạn vũ trụ này đã phun ra rất nhiều mảnh vụn vào không gian và kết hợp lại với nhau trở thành Mặt Trăng của Trái Đất - một sự gắn kết tuyệt đẹp sinh ra từ hỗn loạn.

Những va chạm như thế này rất phổ biến trong các hệ hành còn trẻ, nhưng trở nên hiếm hơn trong thời gian về sau. Lực hấp dẫn của sao chủ sẽ kéo các hành tinh lớn vào nó, chúng sẽ nuốt hoặc thổi bay những mảnh vụn nhỏ hơn trên đường đi của mình. Hiện tại, các nhà thiên văn học của NASA nghĩ rằng họ có thể đang chứng kiến một ngoại lệ của quá trình đầy bạo lực đó trong một hệ hành tinh ở rất xa.

Trong hệ BD +20 307 - một hệ sao kép cách Trái đất khoảng 300 năm ánh sáng - có một sự kiện giống như hai ngoại hành tinh cỡ Trái Đất đã đâm vào nhau, phun ra một đám mây bụi và mảnh vụn nhiệt độ cao có thể nhìn thấy qua các kính thiên văn hồng ngoại. Ở độ tuổi hơn 1 tỷ năm, hệ đang được quan sát này đã hoàn toàn trưởng thành, theo những hiểu biết thông thường thì nó không nên tồn tại các vụ va chạm hành tinh như vậy. Kiểu va chạm chưa từng thấy này cho thấy, các hệ hành tinh có thể cũng giống như con người, vẫn đấu tranh để kéo mình lại gần nhau trong lúc muộn của cuộc đời.

"Đây là một cơ hội hiếm có để nghiên cứu các vụ va chạm thảm khốc xảy ra muộn trong lịch sử của một hệ hành tinh", Alycia Weinberger, nhà khoa học làm việc tại tại Viện Khoa học Carnegie ở Washington DC, tác giả của một bài báo gần đây về vụ va chạm, cho biết trong một tuyên bố.

 

Bụi vũ trụ

Những đám mây bụi có mặt khắp nơi trong không gian. Các hành tinh hình thành khi các hạt bụi trôi nổi xung quanh các ngôi sao trẻ tụ lại với nhau và phát triển qua hàng triệu năm thành những vật thể lớn, đặc. Vào thời điểm các hành tinh ổn định trên quỹ đạo của chúng xung quanh một ngôi sao, phần lớn các hạt bụi và mảnh vụn nhỏ hơn đã bị kéo vào ngôi sao hoặc bị gió mặt trời cuốn thành một vòng mây bụi và đẩy tới vùng lạnh lẽo phía ngoài của cùng của hệ.

Một ví dụ tiêu biểu về cấu trúc lạnh lẽo này là trong Hệ Mặt Trời của chúng ta - vành đai Kuiper, khoảng cách hàng trăm triệu dặm phía ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương, chứa hàng ngàn tảng đá (bao gồm các hành tinh lùn như Pluto), bụi, tiểu hành tinh và các thiên thể khác. Khu vực đó rất lạnh, do khoảng cách quá xa tới Mặt Trời.

Mười năm trước, các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện ra dấu vết của vụ va chạm ngoại hành tinh trong BD +20 307 10, khi đó họ đã rất ngạc nhiên khi thấy một đám mây bụi có vẻ ấm hơn nhiều so với một vành đai tiểu hành tinh ở phía ngoài, nó nóng gấp 10 lần vành đai Kuiper. Phát hiện đó cho thấy đám mây không chỉ là một phần của vành đai tiểu hành tinh, mà là tàn dư của một sự kiện tương đối dữ dội ngay trước đó - một vụ va chạm vũ trụ.

Một thập kỷ sau, Weinberger và các đồng nghiệp đã sử dụng các quan sát từ nhiệm vụ SOFIA của NASA để kiểm tra lại hệ hành tinh này. Trong nghiên cứu gần đây của họ (được công bố trên Astrophysical Journal), các nhà khoa học phát hiện ra rằng độ sáng hồng ngoại của đám mây này đã tăng khoảng 10%, có nghĩa là có nhiều bụi nóng hơn trong hệ so với chỉ mười năm trước.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là một bằng chứng nữa cho thấy vụ tai nạn giữa các ngoại hành tinh này xảy ra tương đối gần đây (có thể trong vài trăm nghìn năm qua) và hệ quả của nó đang diễn ra rõ rệt trước ống kính viễn vọng của con người, vì vụ tai nạn đó có thể dẫn đến một loạt các vụ va chạm nhỏ hơn để tiếp tục ném vào phía trong hệ nhiều bụi nóng hơn.

Nếu trường hợp này phổ biến, có nghĩa là các vụ va chạm hành tinh có thể xảy ra muộn hơn nhiều trong vòng đời của một hệ hành tinh so với suy đoán trước đây.

Đắc Cường
Theo Live Science