HR 5271A

Một nhóm gồm các nhà thiên văn học cả chuyên nghiệp và nghiệp dư thuộc nhiều quốc gia đã xác định được chi tiết sự biến đổi nhiệt độ của bốn sao siêu siêu khổng lồ vàng từ 4.000 lên 8.000 độ và tái diễn như thế sau vài thập kỷ.

Họ đã công bố phát hiện này trên tạp chí Astrnomy and Astrophysics (Thiên văn học và Vật lý thiên văn).

Các nhà nghiên cứu đã phân tích ánh sáng từ 4 sao siêu siêu khổng lồ vàng (yeallow hyperstar) được quan sát từ Trái Đất trong khoảng 50 tới 100 năm vừa qua. Đây là những sao cực lớn và sáng. Chúng có khối lượng từ 15 đến 20 lần khối lượng của Mặt Trời và sáng hơn khoảng 500.000 lần. Khí quyển của những ngôi sao này lớn tới mức nếu như đặt một sao như vậy vào vị trí của Mặt Trời, thì khí quyển của nó sẽ trải rộng ra ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương - hành tinh ở xa nhất trong Hệ Mặt Trời chúng ta.

Nhờ đã thực hiện rất nhiều phép đo, các nhà nghiên cứu có thể thấy rõ chi tiết cách mà các sao này nóng lên qua hàng thập kỷ và rồi lại lạnh đi vào những năm sau đó.

Vòng tuần hoàn bắt đầu từ sao lạnh. Trong vài thập kỷ, nhiệt độ khí quyển trung bình tăng lên khoảng 8.000 độ. Tuy nhiên, ở nhiệt độ rất cao này, khí quyển của ngôi sao trở nên không ổn định do sự khuếch đại các xung bên trong nó.

Ở một thời điểm nhất định, toàn bộ khí quyển phun trào. Kết quả là, nó lạnh đi rất nhanh và diễn ra một quá trình tự tăng tốc trong đó các electron liên kết vào với ion hydro và một lượng lớn năng lượng ion hóa được giải phóng. Việc này khiến khí quyển còn lạnh đi hơn nữa. Quá trình giảm nhiệt độ từ 8.000 xuống còn 4.000 chỉ diễn ra trong 2 năm.

Thế rồi, chu trình lại bắt đầu lại, dù khi đó ngôi sao đã nhẹ đi một chút. Các nhà thiên văn học cho rằng cuối cùng, sao siêu siêu khổng lồ sẽ trở thành một sao nóng hơn và kết thúc cuộc đời của nó với một vụ nổ supernova.

Cũng trong nghiên cứu này, các nhà thiên văn phát hiện ra rằng một trong bốn sao được nghiên cứu không lớn như xác định ban đầu. Ngôi sao có tên là HR5171A này hóa ra lại ở gần hơn nhiều so với dự đoán.

Bryan
Theo Space Daily