Andromeda Galaxy

Milky Way và Andromeda là hai thiên hà lớn nhất trong vùng vũ trụ lân cận của chúng ta, được bao quanh bởi hàng chục thiên hà lùn nhỏ hơn. Toàn bộ nhóm này được các nhà khoa học gọi là Cụm Địa Phương.

Các nhà thiên văn học tin rằng những thiên hà lớn nhất lớn lên bằng cách hút và nuốt lấy những thiên hà nhỏ hơn. Chẳng hạn, có những dấu vết cho thấy thiên hà Andromeda đã ăn một thiên hà lùn gần chúng ta cách đây vài tỷ năm.

Nhưng giờ đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy Andromeda thực ra đã có ít nhất hai bữa tiệc lớn vài tỷ năm trước. Phát hiện này khiến quá khứ của Andromeda trở nên phức tạp và đòi hỏi các nhà thiên văn học tìm kiếm thêm manh mối về sự phát triển của các thiên hà.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạo chí Nature.

 

Tìm kiếm những phần còn lại của thiên hà

Trong nhiều thập kỷ, các nhà thiên văn học đã lập bản đồ những khu vực phía ngoài Andromeda và tìm kiếm những manh mối về quá khứ của nó. Phía ngoài đĩa đậm đặc và xoáy tròn chứa đầy sao ở vùng trong thiên hà là một khối cầu lớn chứa các sao phân tán hơn mà các nhà khoa học gọi là quầng sao của thiên hà. Các nhà thiên văn học đã hướng những kính thiên văn lớn vào những khu vực ngoài này để lập bản đồ vị trí của các sao xa và mờ trong đó. Những bản đồ chi tiết đó hé lộ những dòng sao đậm đặc trải dài trong quầng thiên hà. Các nhà nghiên cứu đã nghi vấn rằng chúng là những gì còn lại của các thiên hà lùn đã rơi vào và bị xé nát bởi lực hấp dẫn của Andromeda.

Việc đó đã thúc đẩy một nhóm nghiên cứu từ nhiều quốc gia thăm dò sâu hơn nữa. Họ muốn nhìn thấy chuyển động của những cụm sao cầu trong quầng của Andromeda để qua đó tìm ra quá khứ của chúng. Khi Andromeda phá hủy một thiên hà lùn, các cụm sao cầu vẫn còn nguyên vẹn do các sao của chúng liên kết rất chặt với nhau. Vì thế, việc nghiên cứu chuyển động của các cụm này cho chúng ta biết những thiên hà lùn đó đã di chuyển ra sao bếu chúng bị xé rách bởi Andromeda.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều cụm sao cầu trong quầng thiên hà nằm trong những dòng còn sót lại của các thiên hà lùn đã bị phá hủy. Và vì những cụm này có quỹ đạo tương tự nhau quanh trung tâm của thiên hà, các nhà nghiên cứu cho biết chúng có thể đã bị nuốt vào trong Andromeda từ gần như cùng một hướng. Bữa tiệc này có lẽ đã xảy ra cách đây vài tỷ năm.

Nhưng các nhà nghiên cứu cũng tim thấy thứ gì đó khác: Nhiều cụm sao cầu có quỹ đạo khác với những cụm trong dòng vật chất. Đó là một dấu hiệu cho thấy Andromeda còn nuốt một thiên hà lùn khác. Bữa tiệc vũ trụ này có lẽ đã xảy ra sớm hơn sự kiện kia khoảng vài tỷ năm.

Theo tác giả của nghiên cứu là Geraint Lewis ở Đại học Sidney, việc còn lại là tìm xem làm thế nào mà những sự kiện lớn này đã xảy ra. Cuối cùng, họ cũng muốn thực hiện những nghiên cứu tương tự về Milky Way để hiểu hơn về lịch sử của nó.

Mục tiêu cuối cùng, theo Lewis, là tái dựng lại câu chuyện mạch lạc về cách mà Milky Way và Andromeda đã phát triển trong hàng tỷ năm qua.

Bryan
Theo Astronomy