Fluorescence

Các nhà thiên văn học đã tìm ra một cách mới để tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. Bức xạ tử ngoại dữ dội từ các sao lùn đỏ vốn được cho là có thể giết chết mọi sự sống trên bề mặt các hành tinh quanh chúng lại có thể giúp khám phá ra nhưng sinh quyển còn ẩn giấu. Theo nghiên cứu mới của Đại học Cornell (Ithaca, New York, Mỹ) thì bức xạ này có thể kích hoạt sự phát quang sinh học có tính bảo vệ từ sự sống trên các ngoại hành tinh.

"Đây là một cách hoàn toàn mới để tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. Hãy tưởng tượng một thế giới sáng lên qua một chiếc kính thiên văn mạnh mẽ," tác giả chính của nghiên cứu là Jack O'Malley-James ở Viện Carl Sagan của Đại học Cornell cho biết.

Theo Lisa Kaltenegger - đồng tác giả của nghiên cứu, hiện là giáo sư thiên văn học và giám đốc viện Carl Sagan: "Trên Trái Đất, một số loại san hô dưới biển sử dụng phát quang sinh học để chuyến hóa bức xạ tử ngoại nguy hiểm từ Mặt Trời thành bước sóng biểu kiến vô hại và tạo thành những hình ảnh đẹp mắt. Có lẽ những dạng sống như vậy có thể tồn tại ở cả những thế giới khác, cho phép chúng ta phát hiện ra chúng."

Các nhà thiên văn học về cơ bản đều đồng ý rằng một tỷ lệ lớn các ngoại hành tinh (những hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời) nằm trong vùng sống được của các sao lùn loại M - loại sao phổ biến nhất trong vũ trụ. Các sao loại này thường xuyên có những vụ bùng phát của các quầng lửa, và khi bức xạ tử ngoại (hay cực tím) từ các quầng lửa này bắn phá các hành tinh, phát quang sinh học có thể tạo nên những màu sắc đẹp đẽ cho những thế giới đó. Thế hệ kính thiên văn tiếp theo (cả mặt đất và không gian) sẽ có thể phát hiệ ra những ngoại hành tinh phát sáng như vậy nếu chúng có tồn tại trong vũ trụ.

Tia tử ngoại có thể được hấp thụ dưới dạng bước sóng dài hơn và an toàn hơn thông qua quá trình được gọi là "phát quang sinh học bảo vệ" (photoprotective biofluorescence). Cơ chế đó để lại những dấu hiệu đặc biệt mà các nhà thiên văn học sẽ phát hiện được.

"Phát quang sinh học như vậy có thể phơi bày những sinh quyển ẩn ở những thế giới mới qua sự phát sáng nhất thời của chúng, khi một quầng lửa từ một ngôi sao va chạm với hành tinh," Kaltenegger nói.

Các nhà thiên văn học sử dụng những đặc tính phát xạ của các sắc tố phát sáng phổ biến ở san hô trên Trái Đất để tạo ra mô hình quang phổ và màu sắc ở các hành tinh chuyển động quanh các sao M, qua đó tái dựng độ mạnh của tín hiệu và xem liệu nó có thể được phát hiện để tìm ra sự sống.

Năm 2016, các nhà thiên văn học đã tìm thấy một ngoại hành tinh là Proxima b - một thế giới có tiềm năng sống được chuyển động quanh Proxima Centauri - một sao loại M và cũng là ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất. Nó rất phù hợp để làm mục tiêu nghiên cứu trong thời gian tới, và cũng là một trong những điểm đến tiềm năng nhất của con người trong tương lai.

Các kính thiên văn mặt đất loại lớn đang được phát triển và sẽ hoàn thiện trong 10 hoặc 20 năm tới sẽ có thể phát hiện ra sự phát sáng này.

Tuấn Phong
Theo Science Daily