planetary core

Trong 5 hoặc 6 tỷ năm nữa, Mặt Trời của chúng ta sẽ phồng to thành một sao khổng lồ đỏ lớn gấp hàng trăm lần hiện nay. Nó sẽ lấn qua Sao Thủy, Sao Kim và có thể cả Trái Đất, và rồi từ từ thổi tung những lớp ngoài của chính nó. Cái lõi đặc và nóng còn lại bên trong được gọi là sao lùn trắng. Nó sẽ phát sáng tiếp trong hàng tỷ năm nữa.

Có một câu hỏi được đặt ra là: điều gì sẽ xảy ra với những hành tinh còn lại (những hành tinh ở đủ xa để không bị nghiền nát)? Các nhà khoa học có thể dựng nên những mô phỏng về Hệ Mặt Trời, nhưng có rất nhiều khả năng có thể xảy ra. Vài hành tinh có thể vẫn còn - cho dù có thể khí quyển đã bị xé khỏi chúng. Cũng có thể tất cả những hành tinh đó sẽ bay ra khỏi Hệ Mặt Trời do sự thay đổi của tương tác hấp dẫn. Những sao như Mặt Trời là khá phổ biến, có nghĩa là nhiều hệ sao và hành tinh trong thiên hà sẽ - hoặc đã - trải qua quá trình hỗn loạn như vậy.

Hai nhà thiên văn Dimitri Veras và Alexander Wolszczan (chính là những người đã phát hiện ra ngoại hành tinh đầu tiên năm 1990) đã đề xuất việc tìm kiếm những "hệ hành tinh zombie" như vậy. Mặc dù các sao lùn trắng đều rất mờ và các hành tinh còn lại quanh chúng thì đều nhỏ, những hệ như vậy vẫn có khả năng tạo ra từ trường và bức xạ vô tuyến mà các nhà nghiên cứu có thể phát hiện được. Các nhà thiên văn học chưa tìm thấy những hệ như vậy, nhưng Sao Mộc và vệ tinh Io của nó có liên kết dạng đó trong Hệ Mặt Trời, và vì thế họ biết rằng điều này là có thể.

Các nhà nghiên cứu đã quyết định tìm hiểu và thấy rằng nhiều lõi hành tinh có thể tồn tại thêm từ 100 triệu tới 1 tỷ năm, có nghĩa là chúng phổ biến trong thiên hà và đáng để tìm kiếm.

Các tác giả đã công bố nghiên cứu của họ trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Những báo cáo hàng tháng của Hiệp hội thiên văn học Hoàng gia - Anh).

Những hành tinh phát sóng vô tuyến mạnh
Với việc các kính thiên văn ngày càng hiện đại hơn, các nhà thiên văn học đã dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm không chỉ các hệ sao lùn trắng mà còn cả những thứ nhỏ hơn xung quanh chúng như các hành tinh, tiểu hành tinh, sao chổi và các mảnh vụn không gian khác. Thông thường, những vật thể như thế chỉ được chú ý sau khi chúng rơi về phía sao lùn trắng và làm xáo trộn những lớp ngoài của ngôi sao. Nhưng các nhà khoa học cũng đã phát hiện những vành chứa các mảnh vụn và thậm chí một số hành tinh nhỏ chuyển động quanh các sao lùn trắng.

Các nhà thiên văn học đã biết rằng Sao Mộc và vệ tinh Io của nó phát ra tín hiệu vô tuyến, và vì thế họ tin rằng những hành tinh có quỹ đạo quanh các sao lùn trắng cũng phát ra tín hiệu tương tự. Họ giả thuyết rằng những thế giới này là tàn dư còn lại của hệ hành tinh ban đầu (khi ngôi sao của chúng chưa trở thành sao lùn trắng), dù đã nhỏ đi nhiều nhưng chúng vẫn đang tiếp tục tồn tại ngay cả sau vụ hỗn loạn vì cái chết của ngôi sao.

Bằng cách kiểm tra các tương tác, nhóm nghiên cứu thấy rằng việc các hành tinh hoàn toàn có thể tồn tại hàng trăm triệu năm sau khi ngôi sao đã đi vào giai đoạn sao lùn trắng. Sự sống sót này phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan tới ngôi sao và bản thân hành tinh, nhưng quan trọng nhất là khoảng cách ban đầu từ ngôi sao tới hành tinh và độ lớn của từ trường sao.

Nếu lõi hành tinh ở quá gần ngôi sao, nó sẽ bị phá hủy bởi các lực triều, còn nếu nó ở quá xa thì sẽ không thể phát hiện được. Ngoài ra, nếu từ trường quá mạnh, nó sẽ đẩy lõi hành tinh về phía sao lùn trắng và phá hủy nó. Vì lý do đó, theo Veras thì họ sẽ chỉ tìm kiếm các lõi hành tinh như vậy ở quanh các sao lùn trắng có từ trường yếu và khoảng cách từ nó tới hành tinh chỉ nằm trong khoảng từ 3 lần bán kính Mặt Trời cho tới khoảng cách Mặt Trời-Sao Thủy.

Tin tốt là các nhà thiên văn học đang ngày càng khám phá thêm nhiều hệ sao lùn trắng, vì thế nếu những tín hiệu vô tuyến như vậy có ở đó, sẽ không còn quá lâu cho tới khi chúng được phát hiện.

Khi các hành tinh quanh các sao lùn trắng được xác định, chúng sẽ giúp chúng ta biết rõ thêm phần nào về tương lai của chính Hệ Mặt Trời chúng ta.

Bryan
Theo Astronomy