superflare

Những năm gần đây, với việc thăm dò tới rìa của thiên hà Milky Way, các nhà thiên văn học đã quan sát được một số vụ bùng sáng mạnh mẽ nhất trong thiên hà, được gọi là các siêu quầng lửa.

Những sự kiện này xảy ra vì một lý do nào đó chưa hoàn toàn được làm rõ, đó là khi các ngôi sao bùng phát những vụ nổ năng lượng khổng lồ đủ để nhìn thấy từ khoảng cách hàng trăm năm ánh sáng. Cho tới gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng những vụ nổ như vậy chỉ xảy ra ở các sao còn trẻ và đang hoạt động mạnh - khác với Mặt Trời của chúng ta.

Mới đây, một nghiên cứu mới cho thấy rõ hơn bao giờ hết rằng các siêu quầng lửa có thể xảy ra ở các sao già và yên ắng hơn - như Mặt Trời - dù việc này hiếm hơn, khoảng vài nghìn năm một lần.

Theo Yuta Notsu - trưởng nhóm nghiên cứu và đang là nhà nghiên cứu khách mời của CU Boulder - thì kết quả nghiên cứu này có thể là một hồi chương cảnh báo cho sự sống trên Trái Đất.

Nếu một siêu quầng lửa bùng phát từ Mặt Trời, Trái Đất rất có thể nằm trên đường đi của bức xạ năng lượng cao. Một vụ nổ như vậy có thể phá hủy hệ thống điện toàn cầu và làm ngừng hoạt động các vệ tinh liên lạc trên quỹ đạo.

Notsu đã giới thiệu nghiên cứu của ông trong một họp báo tại hội nghị lần thứ 234 của Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ diễn ra tại St. Louis.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy siêu quầng lửa là những hiện tượng hiếm gặp," ông nói. "Nhưng có một khả năng là chúng ta có thể sẽ trải nghiệm một sự kiện như vậy trong khoảng 100 năm tới."

Các nhà khoa học đã phát hiện ra hiện tượng này lần đầu tiên từ dữ liệu của kính thiên văn không gian Kepler. Tàu không gian này đã được NASA phóng lên quỹ đạo vào năm 2009 với mục đích tìm kiếm các hành tinh chuyển động quanh các ngôi sao khác. Nhưng đồng thời, nó cũng đã tìm thấy một hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở bản thân các ngôi sao. Ở một số sự kiện hiếm gặp, ánh sáng từ các ngôi sao rất xa bỗng nhiên trở nên sáng hơn trong một khoảng thời gian nào đó.

Các nhà nghiên cứu gọi những vụ bùng nổ năng lượng khổng lồ này là các "siêu quầng lửa" (superflare).

Notsu giải thích rằng các quầng lửa kích thước trung bình rất phổ biến ở Mặt Trời. Nhưng thứ mà dữ liệu của Kepler cho thấy dường như lớn hơn nhiều, gấp từ hàng trăm tới hàng nghìn lần những quầng lửa lớn nhất từng được ghi nhận bởi các thiết bị hiện đại trên Trái Đất.

Điều đó khơi dậy một câu hỏi rõ ràng: Một siêu quầng lửa như vậy có thể xảy ra ở Mặt Trời hay không?

"Khi Mặt Trời còn trẻ, nó hoạt động rất mạnh vì nó quay rất nhanh và có thể tạo ra những quầng lửa mạnh hơn," Notsu nói. "Nhưng chúng ta không biết liệu những quầng lửa lớn đó có xảy ra với tần số thấp hơn ở Mặt Trời hiện nay hay không."

Để làm rõ việc này, Notsu và một nhóm nghiên cứu quốc tế đã dùng tới dữ liệu từ tàu không gian Gaia của ESA và Đài quan sát Apache Point ở New Mexico. Qua một loạt phân tích, nhóm nghiên cứu đã có được danh sách của các siêu quầng lửa xảy ra ở 43 sao tương tự Mặt Trời. Tiếp đó, họ đã phân tích thật cẩn thận những sự kiện hiếm hoi này.

Điểm mấu chốt là: tuổi của các sao. Dựa trên các tính toán của nhóm nghiên cứu, thì các sao trẻ hơn có xu hướng tạo ra nhiều siêu quầng lửa nhất. Nhưng các sao già hơn như Mặt Trời - lúc này đã 4,6 tỷ tuổi - thì không nhiều như vậy.

"Các sao trẻ có siêu quầng lửa hàng tuần hoặc nhiều hơn," Notsu nói. "Với Mặt Trời, trung bình của nó là khoảng vài nghìn năm."

Nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả cuối cùng trên Astrophysical Journal.

Notsu không thể chắc chắn xem khi nào thì vụ bùng phát tới đây của Mặt Trời sẽ diễn ra và tấn công Trái Đất. Nhưng ông cho biết vấn đề chỉ là khi nào, không phải là có hay không. Như vậy, con người vẫn còn thời gian để chuẩn bị, bảo vệ hệ thống điện trên mặt đất cũng như trên quỹ đạo khỏi bức xạ từ không gian.

"Nếu một siêu quầng lửa xảy ra 1000 năm trước, có lẽ không có vấn đề gì. Con người có lẽ đã thấy một cực quang lớn," Notsu nói. "Giờ đây, nó sẽ là vấn đề lớn bởi hệ thống điện của chúng ta."

Các đồng tác giả của nghiên cứu bao gồm các nhà nghiên cứu từ Đại học Kyoto, Đài thiên văn quốc gia Nhật Bản, Đại học Hyogo, Đại học Washington và Đại học Leiden.

Tuấn Phong
Theo Science Daily