Milky Way

Một nhóm do các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học vũ trụ thuộc Đại học Barcelona (ICCUB) và Đài thiên văn Besançon đứng đầu đã phân tích dữ liệu của vệ tinh Gaia và phát hiện ra một vụ bùng nổ tạo sao mạnh mẽ đã xảy ra trong thiên hà của chúng ta cách đây 2 đến 3 tỷ năm. Trong quá trình đó, hơn 50% số sao ở đĩa thiên hà đã ra đời. Khám phá của họ tới từ sự kết hợp khoảng cách, màu sắc và độ sáng của các sao do Gaia đo được với các mô hình dự đoán sự phân bố sao trong thiên hà. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.

Giống như một ngọn lửa mờ dần khi hết ga, nhịp điệu tạo sao trong thiên hà cũng chậm dần cho tới khi lượng khí dùng để tạo ra các sao hoàn toàn cạn kiệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù quá trình tạo sao đã diễn ra từ hơn 4 tỷ năm trước, một vụ bùng nổ tạo sao khác đã diễn ra sau đó. Việc sáp nhập với một thiên hà vệ tinh của Milky Way đã tái khởi động quá trình này, giống như việc bạn bơm thêm ga vào bật lửa. Cơ chế này giải thích sự phân bố của khoảng cách, độ tuổi và khối lượng được ước tính từ dữ liệu mà vệ tinh Gaia của ESA thu được.

"Thời điểm xảy ra vụ bùng nổ tạo sao này cùng với việc một khối lượng gấp hàng tỷ lần Mặt Trời tham gia vào quá trình này gợi ý rằng đĩa của thiên hà chúng ta không tiến hóa một cách ổn định mà có thể bị nhiễu loạn từ tác động bên ngoài, bắt đầu từ khoảng 5 tỷ năm trước." - cho biết của Roger Mor, tác giả chính của nghiên cứu.

"Lần đầu tiên, chúng tôi đã có thể xác định chính xác được khoảng cách của hơn 3 triệu sao trong khu vực của Hệ Mặt Trời," Mor nói. "Nhờ dữ liệu này, chúng tôi có thể khám phá cơ chế tham gia vào quá trình tiến hóa cách đây hơn 8 đến 10 tỷ năm trong đĩa thiên hà."

Các mô hình vũ trụ học dự đoán rằng thiên hà của chúng ta đã lớn lên nhờ sáp nhập với các thiên hà khác - một điều đã được xác nhận bởi các nghiên cứu khác qua dữ liệu của Gaia. Một trong những thiên hà sáp nhập đó có thể gây ra sự bùng nổ tạo sao mạnh mẽ mà nghiên cứu mới này nhắc tới.

Một đồng tác giả của nghiên cứu là Santi Roca-Fàbrega ở Đại học Complutense Madrid, đồng thời là một chuyên gia trong việc mô phỏng các thiên hà tương tự Milky Way, cho biết: "Kết quả thu được khớp với các mô hình vũ trụ học hiện tại dự đoán, và hơn thế nữa, thiên hà của chúng ta nhìn qua Gaia là một phòng thí nghiệm vũ trụ tuyệt vời nơi mà chúng ta có thể kiểm tra và thách thức các mô hình ở qui mô lớn hơn của vũ trụ."

Về Gaia
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên dữ liệu quan sát lần thứ hai của vệ tinh Gaia, vốn được công bố vào ngày 25 tháng 4 năm 2018. Theo Xavier Luri - giám đốc ICCUB và là đồng tác giả của nghiên cứu, "Vai trò của các nhà khoa học và kỹ sư ở Đại học Barcelona là rất quan trọng để cộng đồng khoa học được sử dụng chất lượng dữ liệu tuyệt vời mà Gaia đã công bố."

Hơn 400 nhà khoa học và kỹ sư từ khắp châu Âu đã tham gia vào việc chuẩn bị và xác nhận dữ liệu này.

"Việc làm của họ đã đã mang tới cho cộng đồng khoa học quốc tế những thông tin khiến chúng ta nghĩ lại nhiều kịch bản về nguồn gốc và tiến hóa của thiên hà," Luri nhấn mạnh.

Trong vòng 1 năm, đã có hơn 1.200 bài báo khoa học được xuất bản dựa trên dữ liệu của Gaia về hầu hết mọi phạm vi của vật lý thiên văn, từ những phát hiện gần đây vè những cụm sao hay tiểu hành tinh mới cho tới việc khẳng định về nguồn gốc của thiên hà chúng ta.

R.T
Theo Science Daily