Endgame

SPOILER ALERT! Cảnh báo: Bài viết có nội dung nhắc tới diễn biến của phim Avengers: Endgame. Độc giả nên cân nhắc trước khi đọc.

Avengers: Endgame được phát hành vào cuối tháng 4 năm 2019, là phần tiếp theo của Avengers: Infinity War đã phát hành trước đó đúng 1 năm. Trong bộ phim được coi là cuối cùng trong mạch truyện chính của loạt phim Avengers này, chúng ta thấy có sự xuất hiện rõ rệt của du hành thời gian. Mặc dù đề tài này không hề mới, nhưng nó luôn được lý giải theo những cách khác nhau, hoặc được các nhân vật thực hiện theo những phương thức khác nhau. Trong nội dung chính của bài viết dưới đây, chúng ta sẽ phân tích về cơ sở khoa học của ý tưởng này trong Endgame, cả về logic lẫn những điểm còn gây băn khoăn cho khán giả.

Xin lưu ý:
1- Vì đây là bài viết xét dưới góc độ khoa học, tôi sẽ chỉ đi vào khía cạnh khoa học thuần túy, không bình luận bất cứ điều gì khác về khía cạnh nghệ thuật của bộ phim, trừ việc đây là một bộ phim mà theo cá nhân tôi thấy là tuyệt vời - và vì thế những phân tích dưới đây dù sẽ có chỗ chỉ ra mâu thuẫn của nó nhưng không có nghĩa rằng điều đó làm bộ phim kém hấp dẫn hơn.

2- Lần cuối cùng xin nhắc lại: Bài viết này được thực hiện ngày 28 tháng 4 năm 2019, chỉ hơn 2 ngày sau khi phim được công chiếu, do đó sẽ chứa một số nội dung có tính spoil. Nếu bạn chưa xem phim và không muốn đánh mất tính hấp dẫn của nó trước khi xem, xin vui lòng không đọc tiếp.

----

Cơ sở khoa học về du hành thời gian trong Endgame

Việc du hành thời gian đã được đông đảo nhân loại quan tâm từ rất lâu, và đặc biệt là vài thập kỷ qua đã có rất nhiều tác phẩm mô tả nó dưới nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù trên thực tế cho tới nay chưa có bất cứ ai có thể du hành thời gian hay thậm chí chỉ là tiến gần tới việc đó, nhưng vì các định luật vật lý là phổ quát với toàn vũ trụ nên mọi tác phẩm (điện ảnh, tiểu thuyết, truyện tranh, game, ...) xuất sắc đều dựa trên những nguyên lý nhất định - ngược lại, một tác phẩm không dựa trên những nguyên lý đó thì sẽ tỏ ra phi logic, và thế thì nó không thể là một tác phẩm xuất sắc và chẳng mấy người biết tới nó.

Ở phim Endgame, việc dựa trên các nguyên lý phổ quát cũng không hề ngoại lệ, dù nó vẫn cần có sự bổ sung của những nguyên lý hư cấu.

 

Không có "quantum realm"

Cơ sở đầu tiên của du hành thời gian trong Endgame xuất hiện khi Scott Lang (Ant Man/Người Kiến) trở lại từ nơi gọi là "quantum realm" (các rạp ở Việt Nam dịch là "lượng tử giới") và nhận thấy 5 năm đã trôi qua khi mà anh ta chỉ cảm thấy mình mới trải qua khoảng 5 giờ. Việc này dẫn các nhân vật tới ý tưởng có thể can thiệp vào thời gian.

Ở đây, về mặt vật lý, xin khẳng định rằng không hề có khái niệm "quantum realm", đồng nghĩa với việc không hề có nguyên lý nào cho biết về sự thay đổi tốc độ trôi của thời gian ở thang lượng tử. Bản thân việc một cấu trúc phức tạp như cơ thể người có thể tồn tại ở kích thước lượng tử đã là điều không thể, vì đơn giản là cơ thể của bạn buộc phải cấu tạo từ các nguyên tử - mà các nguyên tử đó thì lớn hơn nhiều so với kích thước lượng tử. Mặc dù vậy, sự hư cấu này là chấp nhận được đối với một tác phẩm có màu sắc viễn tưởng. Tạm bỏ qua việc kích thước mà chỉ xét tới tốc độ của thời gian thì điều đó ít ra chỉ là "chưa ai khẳng định" chứ không mâu thuẫn trực tiếp với bất cứ lý thuyết nào hiện tại.

 

Đa lịch sử

Mặc dù có thất bại ban đầu, các nhân vật trong phim cuối cùng cũng có thể du hành thời gian với việc có sự trở lại của Tony Stark (Iron Man/Người sắt). Vậy nhưng việc du hành thời gian này thực chất là gì?

Trong bài "Du hành thời gian với nghịch lý ông nội" trước đây, tôi đã nhắc tới mô hình đa lịch sử. Tóm tắt một cách ngắn gọn thế này: Nếu một người chế tạo ra một cỗ máy thời gian và quay về quá khứ giết chết ông nội của mình khiến cha của anh ta không ra đời thì anh ta cũng không ra đời, và nếu anh ta không ra đời thì lại không thể có kẻ đến giết chết người ông nội kia - và hiển nhiên là không bị giết thì ông ta lại kết hôn và cuối cùng nhà du hành thời gian lại ra đời. Mâu thuẫn tuần hoàn đó là một nghịch lý không thể giải quyết nếu không có giả thuyết đa lịch sử.

Theo giả thuyết đa lịch sử, khi nhà du hành quay về và bắt đầu tác động vào quá khứ, anh ta đã tạo ra một lịch sử mới thay vì thay đổi chính lịch sử của anh ta. Lý thuyết đa lịch sử này được coi là một dạng của đa vũ trụ cấp 1. (Đọc thêm bài: Đa vũ trụ - Giới hạn của không gian?)

 

Sự phân nhánh lịch sử khi du hành thời gian theo giả thuyết đa lịch sử.

 

Lý thuyết về đa lịch sử đã được áp dụng trong Endgame một cách chính xác như thế. Các nhân vật của chúng ta không thể quay ngược thời gian (nếu có thể thì chắc chắn Tony Stark sẽ không đồng ý, vì điều đó có nghĩa là con gái của anh sẽ chưa ra đời) mà họ chỉ quay về những thời điểm nhất định trong quá khứ để tập hợp những viên Infinity Stone. Vấn đề là, việc can thiệp vào quá khứ này sẽ khiến lịch sử thay đổi, và nếu lịch sử thay đổi thì Infinity War có thể đã không diễn ra hoặc diễn ra theo cách khác. Ở đây, bộ phim đã cho chúng ta biết rằng khi các nhân vật quay về quá khứ, họ sẽ tạo ra một lịch sử mới. Những lịch sử mới đó (hay trong phim thì gọi là "timeline"/dòng thời gian) không phải tồn tại sẵn ở đó để họ chỉ việc bước sang, mà chính vì họ đi về một điểm nào đó trong quá khứ nên lịch sử mới phân nhánh từ đó để hình thành một timeline mới (như hình ảnh minh họa phía trên về nghịch lý ông nội). Việc này có thể thấy rõ nhất khi Bruce Banner gặp Ancient One ở thời điểm 2012 để thuyết phục bà cho mượn Time Stone. Cụ thể là: khi những viên Infinity Stone bị lấy đi ở những thời điểm nhất định, sự vắng mặt của chúng sẽ dẫn tới diễn biến khác của câu chuyện, đồng nghĩa với những timeline mới xuất hiện. Ancient One đã lo ngại rằng việc mất Time Stone sẽ làm timeline của bà bị đảo lộn và nhiều tai họa sẽ tới, nhưng Banner hứa rằng sẽ mang nó trở lại đúng thời điểm nó được lấy đi. Vì lý do đó mà ở cuối phim, chúng ta thấy Steve Rogers (Captain America - sau đây sẽ gọi tắt là Cap) mang theo 6 viên Infinity Stone và búa Mjolnir của Thor để trả lại đúng nơi nó đã bị lấy đi. Hiển nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng lịch sử đã bị phân nhánh và các lịch sử đã phân chia kia sẽ không thể diễn ra đúng như mạch chính của câu chuyện mà chúng ta đã theo dõi qua những tập phim của Avengers, vì vẫn có những sự can thiệp rõ ràng vào đó (chẳng hạn, cứ tưởng tượng cảnh Cap tới Vormir để trả Soul Stone cho Red Skull).

Một biểu hiện khác chứng minh cho việc tính đa lịch sử đã được áp dụng là khi Nebula ở hiện tại bắn vào chính bản sao quá khứ của mình. Hiển nhiên, sẽ là vô lý nếu như hai cô nàng này thuộc cùng một timeline, vì như vậy Nebula quá khứ chết dẫn tới cái chết của Nebula hiện tại, mà nếu Nebula hiện tại đã chết từ quá khứ thì sẽ không có mặt ở đó để bắn chính mình. Điều đó có nghĩa là lịch sử đã phân nhánh khi Nebula du hành thời gian để lấy Power Stone. Trong timeline mới xuất hiện đó, Nebula cũng như toàn bộ đội quân của Thanos sau đó bị tiêu diệt không hề gây ảnh hưởng tới diễn biến sau đó ở timeline chính.

Tới đây, chúng ta thấy rằng các nhà làm phim đã rất tôn trọng các nguyên lý khoa học, và việc đưa nguyên lý vào một cách phù hợp khiến bộ phim càng trở nên hấp dẫn và logic hơn. Nếu bạn đã xem phim "Back to the future" thì sẽ thấy rằng nghịch lý ông nội và tính đa lịch sử đã bị bỏ qua (dù đó vẫn là một bộ phim tuyệt vời để thưởng thức).

Mặc dù vậy, khó có thể đòi hỏi sự hoàn hảo cho bất cứ một phim nào liên quan tới việc du hành thời gian và sự tồn tại song song của các timeline. Và Endgame không ngoại lệ.

 

Mâu thuẫn trong sự mất tích và trở lại của Steve Rogers

Ở cuối phim, Cap nhận nhiệm vụ trả lại 6 viên đá và Mjolnir về đúng chỗ mà chúng bị lấy đi. Ngay sau đó, Banner không thể đưa anh ta quay lại. Ở cảnh tiếp theo, một Cap với khuôn mặt đã rất già ngồi ngay gần đó, ngắm mặt hồ một cách thanh thản và tiết lộ cho Falcon biết rằng anh ta đã chọn việc ở lại quá khứ, đến với Peggy Carter và sống cuộc đời mà mình đã từng mất. Đây là một kết thúc có hậu cho nhân vật này. Nhưng sự biến mất và xuất hiện trở lại của Cap gây ra câu hỏi cho người xem về tính logic của lịch sử.

Ở đây có hai cách giải thích mà có thể bạn đã nghĩ tới hoặc đã đọc ở đâu đó, và tôi xin được chỉ ra mâu thuẫn ở cả hai cách này.

Giả thuyết thứ nhất: Cap trở về năm 1970 để trả lại Space Stone, có thể lại nhìn thấy Carter nên anh ta quyết định dịch chuyển thời gian một lần nữa để về thẳng năm 1945, ngay sau khi Cap ở thời điểm đó bị đóng băng dưới đáy biển, sau đó anh ta sống tới hiện tại (nhờ được cải tạo nên có lẽ Cap sẽ lão hóa chậm hơn và tiếp tục sống được dù Carter đã qua đời từ lâu trước đó) để tới gặp lại những người bạn ở Avengers.
Mâu thuẫn trong giả thuyết này là: khi Cap trở về quá khứ như vậy, anh ta phải tạo ra một lịch sử mới chứ không thể sống luôn trong lịch sử cũ. Vì nếu anh ta ở lại, ai cũng sẽ thấy rằng Captain America không chết, và sẽ không có sự kiện Nick Fury lôi anh ta từ đáy biển lên, mọi thứ sẽ rất khác (thậm chí khá là tàn nhẫn với Cap ở timeline đó vì sẽ không bao giờ có ai đó lôi anh ta lên). Quan trọng nhất là, việc này mâu thuẫn với chính lý thuyết đa lịch sử đã được sử dụng ngay từ đầu phim.

Giả thuyết thứ hai: Cap trở về 1945 và tạo ra một lịch sử khác. Anh ta sống hạnh phúc trong lịch sử đó tới một thời điểm nào đó - có lẽ là sau khi Carter chết, rồi dịch chuyển tới đúng ngày mà anh ta đã rời đi để gặp lại và tặng chiếc khiên của mình cho Falcon. Thoạt nghe, giả thuyết này có vẻ hợp lý hơn, nhưng vẫn có một mâu thuẫn là: Khi Cap tạo ra một timeline mới, tương lai kia không còn nằm trong timeline của anh ta nữa. Ngay từ đầu, các nhân vật đã chỉ có thể dùng máy thời gian để đi tới một sự kiện nào đó đã xảy ra trong chính quá khứ của mình - tức là ở cùng timeline đó. Việc Cap đi từ một timeline mới sang timeline cũ là điều không đúng với lý thuyết ban đầu. Nếu anh ta dùng đồng hồ của bộ đồ du hành để chỉnh điểm đến là năm 2023, anh ta sẽ tới năm 2023 trong chính timeline mà anh ta đang sống. Ở timeline đó, không có Captain America trong đội Avengers, nhiều sự kiện sẽ khác đi, có thể Thanos không tới Trái Đất và cũng có thể tất cả đã bị giết chết. (Lưu ý rằng, trước đó các nhân vật trở về quá khứ và tạo ra timeline mới rồi lại trở về đúng thời điểm của mình trên thực tế là về với cỗ máy đã đưa họ đi, chứ không có nghĩa là họ có thể tùy ý di chuyển giữa các timeline khác nhau).

 

Sơ đồ mô tả hai lịch sử phân nhánh từ lịch sử chính khi Steve Rogers quay về quá khứ ở cuối Endgame. Theo đúng câu chuyện trong phim, vì phải trả lại cả 6 viên Infinity Stone nên số lịch sử được phân nhánh thực tế là nhiều hơn. Để sơ đồ đỡ phức tạp, hình ảnh này chỉ mô tả lại hai lần phân nhánh có liên quan trực tiếp tới câu chuyện chính của nhân vật này.

 

Dù sao, tôi thì tin rằng hầu hết chúng ta, kể cả những nhà khoa học khó tính nhất, cũng sẵn sàng bỏ qua mâu thuẫn này, vì nó đã mang lại một kết thúc mỹ mãn cho một trong những nhân vật trung tâm của toàn bộ series, một nhân vật được nhiều người yêu thích.

Tất nhiên, ngoài chuyện về Cap vừa nêu, còn một số chi tiết nhỏ nữa có thể làm người xem thắc mắc, nhưng đó là điều không tránh khỏi với một bộ phim có kết cấu nội dung phức tạp và quá nhiều nhân vật tham gia.

Hi vọng bài viết đã mang lại thêm phần nào tri thức và góc nhìn cho độc giả.

Ngày 28 tháng 4 năm 2019
Đặng Vũ Tuấn Sơn

(Để hiểu rõ hơn về tính đa lịch sử, đa vũ trụ và việc du hành thời gian, ngoài các bài đã được dẫn link, độc giả có thể tìm đọc cuốn sách "Vũ trụ: Xa hơn Mây Oort" của cùng tác giả đã xuất bản cuối năm 2018)