NGC 1788

Kính thiên văn rất lớn (VLT) của ESO đã thu được hình ảnh thoáng qua về một tinh vân tuyệt đẹp ẩn trong góc tối nhất của chòm sao Orion: NGC 1788, được đặt tên là Dơi vũ trụ (Cosmic Bat).

Tinh vân phản xạ có hình dạng như một con dơi này không phát ra ánh sáng. Thay vào đó nó sáng được nhờ một cụm sao trẻ ở bên trong nó, chỉ thấy được rất mờ sau những đám mây bụi. Các thiết bị khoa học đã phát triển rất nhiều kể từ khi NGC 1788 được phát hiện lần đầu tiên, và hình ảnh này do VLT chụp được là chân dung chi tiết nhất từng có về tinh vân này.

Mặc dù tinh vân ma quái này của Orion dường như biệt lập với những vật thể khác của vũ trụ, các nhà thiên văn học tin rằng nó được tạo nên bởi gió sao mạnh mẽ từ các sao nặng ở xa hơn. Những dòng plasma rực lửa này được phóng ra từ phần trên khí quyển của ngôi sao với vận tốc rất lớn, tạo thành những đám mây che khuất những sao trẻ của Dơi vũ trụ.

NGC 1788 ban đầu được mô tả vởi nhà thiên văn học người Anh gốc Đức William Herschel. Ông đã liệt kê nó trong danh mục mà sau này là cơ sở cho một trong những danh mục quan trọng nhất về các thiên thể nằm sâu trong vũ trụ - danh mục NGC.

Một hình ảnh đẹp về tinh vân nhỏ và mờ này đã được chụp bởi kính thiên văn 2,2 mét MPG/ESO ở Đài quan sát La Silla của ESO, nhưng khung cảnh mới quan sát được khiến nó không còn nhiều ý nghĩa. Giống như một con dơi đang bay, đôi cánh bụi của NGC 1788 được chụp nhân kỷ niệm 20 năm của một trong những thiết bị linh hoạt nhất ESO có tên là FORS2 (FOcal Reducer and low dispersion Spectrograph 2).

FORS2 là một thiết bị được gắn vào Antu - một trong số các kính 8,2 mét của VLT ở Đài quan sát Paranal. Nó có khả năng quan sát và ghi hình những diện tích lớn của bầu trời một cách cực kỳ chi tiết, khiến nó trở thành một thành viên sáng giá trong số những thiết bị tiên tiến của ESO.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động cách đây 20 năm, FORS2 đã được coi là "con dao quân đội Thụy Sĩ" (ý là con dao đa năng). Tên gọi này xuất phát từ các chức năng rất đa dạng của nó. Tính linh hoạt của FORS2 mở rộng ra xa hơn cả các mục đích khoa học thuần túy - chẳng hạn như những bức ảnh đẹp như thế này là một công cụ rất tốt để tiếp cận với cộng đồng.

Hình ảnh này được chụp trong chương trình Cosmic Gems (những viên đá quý vũ trụ) của ESO. Đây là chương trình sử dụng các kính thiên văn của ESO để có được những hình ảnh đẹp và thú vị về các thiên thể với mục đích giáo dục và tiếp cận cộng đồng. Chương trình này sử dụng khoảng thời gian khi các kính thiên văn đang không được huy động cho các quan sát khoa học. Và với sự hỗ trợ của FORS2, chương trình này ghi hình được những thiên thể đẹp nhất trên bầu trời đêm, chẳng hạn như tinh vân này. Trong trường hợp dữ liệu thu được có thể hữu ích cho các mục đích khoa học trong tương lai, những quan sát này sẽ được lưu lại và cung cấp cho các nhà thiên văn thông qua dữ liệu lưu trữ khoa học của ESO.

Tuấn Phong
Theo Space Daily