DM Tau

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự hình thành của các hành tinh quanh một sao trẻ giống Mặt Trời. Hai vành bụi quanh ngôi sao ở khoảng cách tương đương với vành đai tiểu hành tinh và quỹ đạo của Sao Hải Vương trong Hệ Mặt Trời gợi ý rằng chúng ta đang chứng kiến sự hình thành của một hệ hành tinh tương tự như hệ của chúng ta.

Hệ Mặt Trời được cho rằng đã hình thành từ một đám mây khí và bụi cách đây khoảng 4,6 tỷ năm. Bằng cách nghiên cứu các hệ hành tinh trẻ hình thành quanh các sao khác, các nhà thiên văn học hi vọng biết được nhiều hơn về nguồn gốc của chính chúng ta.

Tomoyuki Kudo - nhà thiên văn học ở Đài thiên văn quốc gia Nhật Bản (NAOJ) đã cùng nhóm của ông quan sát sao trẻ DM Tau bằng tổ hợp kính milimet/hạ-milimet Atacama (viết tắt là ALMA). Nằm cách Trái Đất 470 năm ánh sáng ở vị trí của chòm sao Taurus, DM Tau có khối lượng bằng khoảng nửa Mặt Trời và được ước tính đã hình thành được từ 3 tới 5 triệu năm.

"Các quan sát trước đây đã suy ra hai mô hình của đĩa quanh DM Tau," Kudo nói. "Một số nghiên cứu gợi ý rằng bán kính của đĩa tương đương với khoảng cách của vành đai tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Các quan sát khác mở rộng kích thước này ra tới vị trí của Sao Hải Vương. Các quan sát bằng ALMA của chúng tôi mang lại câu trả lời rõ ràng hơn: cả hai đều đúng. DM Tau có hai vành, mỗi vành ở một vị trí."

Các nhà nghiên phát hiện ra một vùng sáng ở đĩa phía ngoài. Điều này cho thấy sự tập trung cục bộ của bụi, có thể là nơi hình thành một hành tinh như Sao Thiên Vương hoặc Sao Hải Vương.

"Chúng tôi cũng quan tâm tới việc theo dõi chi tiết vùng trong của đĩa, vì Trái Đất đã hình thành trong một khu vực như vậy quanh Mặt Trời trẻ," Jun Hashimoto - nhà nghiên cứu ở Trung tâm Sinh học thiên văn Nhật Bản - cho biết. "Sự phân bố của bụi ở vành trong quanh DM Tau sẽ cung cấp những thông tin quan trọng để hiểu hơn về nguồn gốc của những hành tinh như Trái Đất."

Bryan
Theo Science Daily