star forming

Các nhà nghiên cứu tại Đại học thủ phủ Osaka đã quan sát được "những ngôi sao sơ sinh" trong Mây Magellan Nhỏ (SMC), trong môi trường tương tự như giai đoạn sớm của vũ trụ. Gần một trong những ngôi sao sơ sinh đó, họ tìm thấy dòng chảy phân tử tương tự như những gì từng được thấy ở thiên hà của chúng ta, qua đó có được một góc nhìn mới về sự ra đời của các sao.

Các nguyên tố nặng trong vật chất liên sao tác động đáng kể tới cơ chế hình thành các sao. Trong vũ trụ sơ khai, độ phong phú các nguyên tố nặng thấp hơn so với vũ trụ ngày nay vì khi đó chưa đủ thời gian để quá trình hợp hạch tạp thành những nguyên tố nặng ở trung tâm các sao. Cho tới nay, trên thực tế việc các sao đã hình thành ra sao trong môi trường rất khác với hiện nay vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Giáo sư Toshikazu Onishi ở Đại học Osaka đứng đầu cùng nhóm dự án của Giáo sư Kazuki Tokuda ở Đại học Kyushu/NAOJ đã sử dụng tổ hợp kính thiên văn quan sát bước sóng milimet và hạ-milimet ở Atacama (viết tắt là ALMA) để quan sát những vật thể dạng sao khối lượng lớn và còn trẻ ở SMC.

SMC được xác định là có ít những nguyên tố nặng hơn heli, tương tự như những thiên hà từ cách đây 10 tỷ năm. Mục tiêu này có thể mang lại những cái nhìn đủ chi tiết bởi nó ở khá gần chúng ta.

Trong nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được một dòng chảy của khí phân cực từ sao sơ sinh Y246 và xác định rằng dòng chảy này có vận tốc trên 54.000 km/h theo cả hai chiều.

Trong vũ trụ ngày nay, sự quay của các sao sơ sinh được cho rằng bị cản trở bởi chính dòng khí này và qua đó làm tăng tốc quá trình tạo sao. Khám phá mới cho thấy dường như điều này là như nhau trong suốt 10 tỷ năm qua. Nhóm nghiên cứu cũng hi vọng rằng sẽ mang lại được những quan điểm mới trong việc nghiên cứu sự hình thành của các sao và hành tinh.

Bryan
Theo Phys.org