Để tạo ra bức ảnh sâu nhất về vũ trụ chụp từ không gian, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Vật lý thiên văn quần đảo Canary (IAC) do Alejandro S. Borlaff đứng đầu đã sử dụng những hình ảnh ban đầu của kính thiên văn không gian Hubble chụp một vùng trời được gọi là "trường nhìn cực rộng của Hubble" (HUDF).
Sau khi cải thiện quá trình kết hợp nhiều hình ảnh lại, nhóm nghiên cứu đã có thể tái hiện một lượng lớn ánh sáng từ các khu vực phía ngoài của những thiên hà lớn nhất trong HUDF. Tái hiện được ánh sáng từ các sao ở khu vực phía ngoài này tương đương với việc tái hiện được ánh sáng của một thiên hà hoàn chỉnh. Ở một số thiên hà, ánh sáng còn thiếu mới được xác định này cho thấy chúng có đường kính gần gấp đôi so với những phép đo trước đây.
HUDF là kết quả kết hợp của hàng trăm bức ảnh chụp bởi camera trường rộng số 3 (WFC3) của Hubble trong thời gian quan sát kéo dài hơn 230 giờ, khiến nó trở thành bức ảnh sâu nhất về vũ trụ có được vào thời điểm được công bố - năm 2012. Nhưng phương pháp kết hợp những bức ảnh riêng biệt không phải là lý tưởng để xác định những vật thể mờ mở rộng ra phía ngoài. Để làm được điều đó, theo Borlaff giải thích: "Cái mà chúng tôi đã làm là quay lại kho lưu trữ hình ảnh gốc được quan sát trực tiếp bởi Hubble và cải thiên quá trình kết hợp, hướng tới chất lượng hình ảnh tốt nhất không chỉ để thấy được những thiên hà nhỏ ở xa mà còn để thấy được những vùng mở rộng của những thiên hà lớn nhất."
WFC3 đã được các phi hành gia cài đặt từ năm 2009, khi Hubble đã đi vào không gian được 19 năm. Đó đã là một thách thức lớn với các nhà nghiên cứu bởi thiết bị hoàn chỉnh (kính thiên văn + camera) không thể được thử nghiệm ở mặt đất, khiến việc hiệu chỉnh gặp nhiều khó khăn hơn. Để khắc phục những vấn đề đó họ đã phân tích hàng nghìn hình ảnh của những vùng khác nhau trên bầu trời, với mục tiêu nâng cao hiệu chỉnh của kính trên quỹ đạo.
Hình ảnh vũ trụ mới được coi là sâu nhất "đã thực hiện được nhờ cải tiến nổi bật trong các kỹ thuật xử lý hình ảnh có được trong những năm gần đây - một lĩnh vực mà ở đó IAC luôn đi đầu," Borlaff nói.
R.T
Theo Science Daily
Chú thích: trong hình ảnh được nêu mà bạn có thể thấy ở đầu của bài, ở những vùng xám sẫm màu có ánh sáng mới được phát hiện quanh các thiên hà. Ánh sáng đó tương đương với độ sáng của một trăm tỷ Mặt Trời.