Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế bằng việc sử dụng kết hợp kính thiên văn mặt đất và kính thiên văn không gian đã phát hiện được hơn 100 ngoại hành tinh chỉ trong ba tháng. Những hành tinh này khá đa dạng và dự kiến sẽ đóng một vai trò lớn trong việc phát triển lĩnh vực nghiên cứu về các ngoại hành tinh và sự sống trong vũ trụ.
Ngoại hành tinh, là những hành tinh chuyển động quanh các sao không phải Mặt Trời, đã được nghiên cứu rất nhiều trong những năm gần đây. Một trong những lý do là sự thành công của Kính thiên văn Không gian Kepler, được phóng lên quỹ đạo năm 2009 để tìm kiếm các ngoại hành tinh. Nếu một hành tinh đi qua (quá cảnh) phía trước ngôi sao mẹ, thì độ sáng được quan sát của sao đó sẽ giảm xuống một lượng nhỏ. Kính Thiên văn Không gian Kepler đã xác định được nhiều ngoại hành tinh nhờ phương pháp này. Tuy nhiên hiên tượng mờ đi này có thể đến từ những nguyên nhân khác. Do đó, việc xác nhận hiện tượng này có thực sự do ngoại hành tinh gây ra hay không là rất quan trọng. Kính thiên văn không gian Kepler đã gặp phải sự cố cơ học năm 2013, dẫn đến một sứ mệnh kế nhiệm được gọi là K2. Các nhà thiên văn học khắp thế giới đang chạy đua trong việc xác nhận các ngoại hành tinh được đề xuất từ dữ liệu của K2.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế bao gồm các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo và Trung tâm Sinh vật học vũ trụ của Viện Khoa học tự nhiên Quốc gia Nhật Bản đã nghiên cứu 227 ứng viên ngoại hành tinh từ dữ liệu K2 bằng việc sử dụng các kính thiên văn không gian và kính thiên văn mặt đất khác. Họ xác nhận rằng 104 trong số đó thực sự là các ngoại hành tinh. Bảy trong số các ngoại hành tinh được xác nhận có chu kỳ quỹ đạo cực ngắn, chỉ dưới 24 giờ. Quá trình hình thành của các ngoại hành tinh với chu kỳ quỹ đạo ngắn như vậy vẫn chưa rõ ràng. Nghiên cứu sâu hơn về những hành tinh có chu kỳ quỹ đạo cực ngắn này sẽ giúp thúc đẩy nghiên cứu về các quá trình đằng sau sự hình thành của chúng. Nhóm nghiên cứu cũng xác nhận có nhiều ngoại hành tinh đá có khối lượng thấp với khối lượng ít hơn hai lần khối lượng Trái Đất cũng như một số hệ hành tinh có nhiều hành tinh.
John Livingston, nghiên cứu sinh tiến sỹ ở Đại học Tokyo và là tác giả chính của các nghiên cứu về ngoại hành tinh giải thích: “Cho dù Kính thiên văn Không gian Kepler đã được NASA chính thức cho dừng hoạt động, kính thiên văn không gian kế nhiệm nó, TESS, đã bắt đầu thu thập dữ liệu. Chỉ trong tháng đầu tiên hoạt động, TESS đã tìm thấy nhiều ngoại hành tinh mới và sẽ tiếp tục phát hiện ra nhiều hơn nữa. Chúng đã có thể mong đợi nhiều khám phá thú vị mới trong những những năm tới.”
Thu Trang
Theo Science Daily