apep

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã khám phá ra một hệ sao đặc biệt, có khả năng thách thức các giả thuyết hiện tại về quá trình chết của các sao nặng.

"Có lẽ đây là lần đầu tiên một hệ sao như thế này được tìm ra trong thiên hà của chúng ta," theo Benjamin Pope, một thành viên và đồng thời là một trong những nhà nghiên cứu thuộc chương trình Sagan của NASA tại Trung tâm Vũ trụ và Vật lý Hạt thuộc Đại học New York.

Cụ thể, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hệ nơi có sự bùng nổ tia gamma - một loại supernova phóng ra những dòng plasma cực mạnh và hẹp và được cho là chỉ xảy ra tại các thiên hà xa xôi.

"Một hệ như vậy chưa từng được trông đợi rằng sẽ được tìm thấy trong thiên hà của chúng ta thay vì ở các thiên hà xa hơn rất nhiều," Pope cho biết thêm. "Dựa trên độ sáng của nó, chúng tôi rất ngạc nhiên khi đã không phát hiện ra nó sớm hơn."

Việc khám phá ra hệ này cũng là thành quả của các nhà khoa học từ Viện Thiên văn vô tuyến Hà Lan, Đại học Sydney, Đại học Edinburgh, Đại học Sheffield và Đại học New South Wales. Khám phá này đã được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, các nhà khoa học đã đặt tên cho hệ sao mới tìm được là "Apep."

Hệ sao này nằm cách Trái Đất 8.000 năm ánh sáng, nó được một "chong chóng" bụi bao quanh và chuyển động chậm một cách kỳ lạ. Chính điều này đã khiến các nhà khoa học cho rằng các giả thuyết về cái chết của các ngôi sao vẫn còn chưa hoàn thiện.

Khi các sao nặng trong vũ trụ của chúng ta đã gần đến lúc kết thúc sự sống, chúng sẽ gây ra các luồng gió mạnh - thường di chuyển với vận tốc trên 1.000 kilomet mỗi giây - và cuốn đi phần lớn khối lượng của ngôi sao. Các cơn gió mạnh này thường sẽ lấy đi năng lượng quay của ngôi sao và làm chậm nó lại trước khi chết.

"Các sao khổng lồ này thường ở gần một sao khác đồng hành, và các cơn gió mạnh từ phía ngôi sao đang chết có thể kết hợp với ngôi sao đồng hành này để tạo ra một cú sốc ở tần số của tia X và vô tuyến cũng như tạo ra những đám bụi kỳ lạ," theo Joseph Callingham, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Thiên văn vô tuyến Hà Lan và đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu.

Ông cho biết thêm: "Chong chóng bụi của Apep di chuyển chậm hơn rất nhiều so với gió ở trong hệ. Hiện tượng này có thể xảy ra nếu một trong các sao nặng đang quay quá nhanh và chính bản thân nó đang tự bị xé toạc ra. Vòng quay nhanh như vậy cũng có nghĩa là khi ngôi sao đó trở nên kiệt quệ và bắt đầu phát nổ dưới dạng một supernova, nó sẽ suy sập tại các cực trước rồi mới tới xích đạo và gây ra sự bùng nổ tia gamma."

Tuấn Phong
Theo Science Daily