Magellanic Clouds

Hai trong số những thiên hà gần Milky Way nhất - Mây Magellan Lớn và Mây Magellan Nhỏ - có thể từng có một đồng hành thứ ba, các nhà khoa học cho biết.

Nghiên cứu vừa được công bố mô tả việc một thiên hà sáng khác đã bị Mây Magellan Lớn (LMC) nuốt lấy cách đây khoảng 3 đến 5 tỷ năm.

Tác giả chính của nghiên cứu là Benjamin Armstrong ở Trung tâm nghiên cứu thiên văn vô tuyến quốc tế (ICRAR) cho biết hầu hết các sao của LMC đều chuyển động quanh trung tâm thiên hà theo chiều kim đồng hồ. Tuy nhiên, có một số sao chuyển động theo chiều ngược lại một cách bất thường.

"Trong một thời gian dài, các sao này được cho là tới từ đồng hành của nó là Mây Magellan Nhỏ (SMC)" - Armstrong nói. "Ý tưởng của chúng tôi là những ngôi sao này có thể tới từ một sáp nhập với thiên hà khác trong quá khứ."

Armstrong đã sử dụng mô hình máy tính để mô phỏng các vụ sáp nhập thiên hà.

"Cái chúng tôi tìm thấy là trong những sự kiện sáp nhập loại này, bạn thực sự thấy sự quay ngược chiều sau khi sáp nhập xảy ra," ông nói. "Điều này phù hợp với những gì chúng tôi thấy khi quan sát các thiên hà."

Hai thiên hà Magellan có thể được nhìn thấy trên bầu trời đêm bằng mắt thường và đã được các nền văn hóa cổ quan sát thấy từ hàng nghìn năm trước.

LMC là một thiên hà khá nhỏ nằm cách chúng ta 160.000 năm ánh sáng, trong khi SMC thì xa hơn một chút - khoảng 200.000 năm ánh sáng.

Armstrong cho biết phát hiện này có thể giúp giải thích một vấn đề mà các nhà thiên văn đã quan tâm từ nhiều năm nay là: tại sao các sao của LMC hầu hết hoặc là rất già hoặc là rất trẻ (rất ít các sao với tuổi trung bình).

Armstrong nói: "Trong các thiên hà, có những cấu trúc lớn gọi là các cụm sao. Các cụm sao chứa rất rất nhiều sao với độ tuổi tương tự nhau và ra đời trong những điều kiện tương tự. Ở Milky Way, các cụm sao đều rất già. Nhưng trong LMC, chúng ta có những cụm sao rất già cũng như những cụm rất trẻ mà không có gì nằm trong khoảng giữa đó."

Theo Armstrong, hiện tượng này được gọi là "khoảng trống độ tuổi".

"Vì ở LMC chúng tôi thấy sự tạo sao lại bắt đầu, điều đó có thể là dấu hiệu của sự sáp nhập thiên hà," ông nói. "Công việc của chúng tôi vẫn còn rất sơ bộ nhưng nó gợi ý rằng quá trình loại này có thể là nguyên nhân của sự tồn tại một đĩa dày hơn trong quá khứ."

R.T
Theo Science Daily