Peer Review

Trong khoa học hiện đại, bất cứ nghiên cứu nào về lĩnh vực nào chỉ được công nhận khi nó được ít nhất một tạp chí chuyên ngành uy tín của lĩnh vực đó đồng ý xuất bản. Những tạp chí có đủ uy tín như vậy trong mỗi lĩnh vực đều rất ít, chúng không phải những tạp chí mà bạn có thể mua tại sạp báo - trong tiếng Anh, những tạp chí đó được gọi là scientific journal, hay đơn giản là journal, còn những tạp chí tổng hợp và đưa tin thì được gọi là magazine (cần nói rõ rằng, Việt Nam không có bất cứ journal nào được công nhận, mà chỉ có các magazine, dù trong tiếng Việt chúng ta đều gọi là tạp chí).

Để một nghiên cứu được một tạp chí khoa học chấp nhận, thì nó phải trải qua một khâu rất phức tạp, khắt khe và quan trọng, đó là quá trình bình duyệt. Vậy nó là gì và diễn ra như thế nào?

Dưới đây là một bài viết chi tiết cho độc giả và các nhà nghiên cứu có quan tâm.

---------------------------

Bình duyệt (peer review) là một trong những chuẩn mực vàng của khoa học. Đây là quá trình các nhà khoa học (hay ở đây còn là các "nhà bình duyệt") đánh giá chất lượng kết quả nghiên cứu của các đồng nghiệp khác trong cùng lĩnh vực. Mục đích của quá trình này nhằm đảm bảo các kết quả nghiên cứu phải chính xác, chặt chẽ, dựa trên nền tảng các nghiên cứu trong quá khứ và bổ sung thêm vào những gì chúng ta vốn đã biết.

Hầu hết các tạp chí, hội nghị và các chương trình tài trợ về khoa học đều đi kèm một quá trình bình duyệt. Trong gần như mọi trường hợp phương pháp bình duyệt "mù đôi" (double blind) sẽ được áp dụng. Theo đó các nhà phê bình phải đảm bảo không quen biết tác giả nghiên cứu, và tác giả cũng không biết danh tính của nhà phê bình. Mục đích của phương pháp này nhằm đảm bảo nghiên cứu được đánh giá một cách khách quan.

Các tạp chí, hội nghị và các chương trình tài trợ càng uy tín thì sẽ càng có nhu cầu cao về khâu bình duyệt, chính vì vậy các nghiên cứu sẽ càng được đánh giá kỹ trước khi được phê duyệt. Chính sự uy tín này sẽ giúp các nghiên cứu được nhiều người đọc và trích dẫn hơn.

 

Chi tiết quá trình bình duyệt

Quá trình bình duyệt cho các tạp chí bao gồm ít nhất ba giai đoạn.

 

1. Giai đoạn đánh giá qua bàn
Khi nghiên cứu được gửi đến một tạp chí, đầu tiên nghiên cứu đó sẽ được đánh giá qua tổng biên tập hoặc một biên tập viên khác với trình độ tốt về lĩnh vực của nghiên cứu đó.

Tại giai đoạn này, vị tổng biên tập hoặc biên tập viên đều có thể từ chối nghiên cứu này trước khi qua khâu bình duyệt "mù". Nhìn chung, các nghiên cứu sẽ bị từ chối ở giai đoạn này nếu chúng không phù hợp với nội dung của tạp chí hoặc chúng bị một lỗi cơ bản khiến chúng không thể được xuất bản.

Trong trường hợp này, các biên tập viên có thể viết một lá thư trình bày vấn đề của họ với nghiên cứu. Một số tạp chí như Tạp chí Y khoa Anh từ chối qua bàn đến 2/3 hoặc hơn số nghiên cứu được gửi đến cho họ.

 

2. Bình duyệt "mù"
Nếu đội biên tập viên cảm thấy không có lỗi nào nghiêm trọng trong nghiên cứu, họ sẽ gửi nghiên cứu đến cho các nhà phê bình "mù". Số lượng các nhà bình duyệt phụ thuộc tùy vào lĩnh vực: trong lĩnh vực tài chính chỉ cần một nhà bình duyệt, trong khi đó các tạp chí về khoa học sẽ yêu cầu đến bốn nhà bình duyệt. Các nhà phê bình này được lựa chọn bởi các biên tập viên dựa trên chuyên môn và sự đảm bảo rằng họ không có liên hệ với tác giả nghiên cứu.

Các nhà phê bình sẽ quyết định từ chối, chấp nhận nghiên cứu theo đúng tình trạng ban đầu (điều này rất ít khi xảy ra), hoặc yêu cầu nghiên cứu phải được chỉnh sửa. Điều này có nghĩa tác giả sẽ phải thay đổi nghiên cứu của mình sao cho phù hợp với yêu cầu của nhà phê bình.

Thông thường các đánh giá và phê bình sẽ tập trung vào độ hợp lý và tính chính xác về phương pháp thực nghiệm của nghiên cứu, đồng thời là tầm quan trọng và tính độc đáo của khám phá. Các biên tập viên sẽ thu thập lại các ý kiến đánh giá, xem xét, quyết định và cuối cùng là gửi thư cho tác giả trình bày ý kiến của các nhà phê bình cũng như của chính bản thân họ.

Trong một số trường hợp, các biên tập viên có thể đề nghị một vòng bình duyệt tiếp theo mặc dù nghiên cứu đã bị các nhà phê bình chỉ trích. Tại các tạp chí uy tín nhất, sẽ có khoảng 10 đến 20% các nghiên cứu được cho phép "chỉnh sửa và tái gửi" sau lượt bình duyệt đầu tiên.

 

3. Khâu sửa đổi - nếu như bạn đủ may mắn
Nếu nghiên cứu chưa bị từ chối sau vòng đánh giá đầu tiên, nó sẽ được gửi về cho tác giả để họ có thể chỉnh sửa. Quá trình này có thể được lặp đi lặp lại nếu cần thiết cho đến khi biên tập viên đi đến quyết định sẽ chấp nhận hay từ chối nghiên cứu. Trong một số trường hợp quá trình này có thể sẽ kéo dài tới nhiều năm.

Chưa đến 10% các nghiên cứu gửi đến các tạp chí khoa học uy tín nhất được họ phê duyệt. Tạp chí "Nature" nổi tiếng trung bình chỉ xuất bản khoảng 7% số nghiên cứu được gửi đến cho họ.

 

Các ưu điểm và khuyết điểm của quá trình bình duyệt

Quá trình bình duyệt được coi là tiêu chuẩn vàng trong khoa học bởi nó đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ và mới mẻ của môi trường hàn lâm. Đồng thời khi thông qua quá trình này, các ý tưởng sai lệch sẽ bị loại bỏ và các ý tưởng tốt sẽ được đẩy mạnh và cải thiện. Bên cạnh đó bình duyệt còn đảm bảo tính độc lập của khoa học.

Do chính các nhà khoa học tham gia đánh giá các ý tưởng về khoa học, thước đo về tiêu chuẩn khoa học sẽ được đảm bảo. Nếu những người từ ngoài lĩnh vực liên quan được lựa chọn để đánh giá, các yếu tố khác như chính trị hay kinh tế có thể sẽ được đưa vào để lựa chọn các ý tưởng. Bình duyệt đồng thời cũng được coi là một phương pháp quan trọng nhằm loại bỏ sự thiên vị và các thành kiến khỏi quá trình đánh giá kiến thức.

Mặc dù có những ưu điểm đó, quá trình bình duyệt như hiện tại cũng có bị phê phán. Quá trình này vẫn tồn tại một số tương tác xã hội có khả năng tạo ra sự thiên vị. Ví dụ: các tác giả nghiên cứu có thể được các nhà phê bình nhận ra nếu như họ làm trong cùng một lĩnh vực, và quá trình đánh giá qua bàn không hoàn toàn là "mù".

Phương pháp này cũng có thể làm tăng sự thiên vị vào các nghiên cứu cũ thay vì các nghiên cứu hoàn toàn mới. Và quan trọng hơn nữa, các nhà phê bình vẫn chỉ là con người, họ vẫn có thể phạm những sai sót, hiểu sai vấn đề nghiên cứu hoặc bỏ lỡ các khuyết điểm.

 

Có phương pháp đánh giá nào khác thay thế không?

Những người bảo vệ hệ thống bình duyệt này cho biết mặc dù hệ thống còn tồn tại các khuyết điểm, chúng ta vẫn chưa tìm được phương pháp nào tốt hơn để có thể đánh giá các nghiên cứu. Tuy nhiên, một số sáng kiến đã được giới thiệu và đưa vào hệ thống đánh giá hàn lâm nhằm cải thiện tính khách quan và hiệu quả.

Một số tạp chí truy cập mở mới hiện nay (chẳng hạn như PLOS ONE) xuất bản các nghiên cứu với rất ít đánh giá (họ chỉ kiểm tra xem nghiên cứu có phạm lỗi nghiêm trọng về mặt phương pháp). Thay vào đó họ tập trung vào quá trình đánh giá sau xuất bản: tất cả người đọc đều có thể bình luận và phê bình nghiên cứu.

Một số tạp chí khác như Nature đã mở một phần của khâu đánh giá ra công khai, với mục đích giúp bình duyệt vẫn giữ vững vai trò chính trong quá trình đánh giá, nhưng đồng thời tạo cơ hội cho các học giả khác có thể đánh giá song song (hoặc đánh giá sau trong các tạp chí khác) giá trị của nghiên cứu.

Một ý kiến khác tập trung vào việc cho một nhóm các nhà phê bình nhất định đánh giá nghiên cứu mỗi lần nó được chỉnh sửa. Trong trường hợp này, các tác giả sẽ có thể lựa chọn nếu như họ muốn dành nhiều thời gian chỉnh sửa để được đánh giá tốt hơn và giúp nghiên cứu của họ được công nhận một cách công khai.

Tuấn Phong

Dịch từ bài của Giáo sư Andre Spicer và nhà nghiên cứu Thomas Roulet ở Đại học Oxford, đã đăng trên The Conversation.

Bản dịch ban đầu được đăng tại A-Science