Exoplanets

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nước có vẻ là một thành phần chính của những ngoại hành tinh này. Chúng đều có kích thước từ 2 tới 4 lần Trái Đất. Việc này sẽ nhiều ý nghĩa với việc tìm kiếm sự sống trong thiên hà của chúng ta.

Khám phá đầu tiên về các ngoại hành tinh chuyển động quanh các sao khác hồi năm 1992 đã đưa tới mối quan tâm đặc biệt dành cho việc tìm hiểu thành phần của các hành tinh này để xác định khả năng tồn tại và phát triển sự sống. Mới đây, một nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu thu được của kính thiên văn không gian Kepler và nhiệm vụ Gaia đã chỉ ra rằng nhiều hành tinh đã được biết tới có chứa tới 50% là nước. Đây là tỷ lệ lớn hơn nhiều so với Trái Đất của chúng ta chỉ có 0,02% khối lượng là nước.

"Đây là một ngạc nhiên lớn để nhận ra rằng phải có rất nhiều thế giới nước," tác giả chính của nghiên cứu là Tiến sĩ Li Zeng ở Đại học Harvard nói.

Các nhà khoa học đã tìm ra rằng khá nhiều trong số 4000 thiên thể gồm các ngoại hành tinh đã được xác nhận và các ứng viên ngoại hành tinh đã được khám phá cho tới nay có kích thước thuộc một trong hai nhóm: các hành tinh có bán kính khoảng 1,5 lần bán kính Trái Đất và các hành tinh có bán kính khoảng 2,5 lần bán kính Trái Đất.

Vừa qua, một nhóm các nhà thiên văn học từ nhiều quốc gia đã phân tích các ngoại hành tinh dựa trên các phép đo gần đây về khối lượng và bán kính do vệ tinh Gaia thực hiện để phát triển một mô hình về cấu trúc trong của chúng.

"Chúng tôi đã tìm hiểu về tương quan giữa khối lượng và bán kính của chúng và phát triển một mô hình có thể giải thích mối liên hệ đó," Li Zeng nói. Mô hình của họ chỉ ra rằng những ngoại hành tinh có bán kính khoảng 1,5 lần Trái Đất thường là hành tinh đá (khối lượng thường khoảng 5 lần Trái Đất), trong khi những hành tinh có bán kính khoảng 2,5 lần Trái Đất với khối lượng khoảng 10 lần hành tinh chúng ta dường như là những thế giới nước.

"Đây là nước, nhưng không giống như thường thấy trên Trái Đất," Li Zeng cho biết. "Nhiệt độ bề mặt của chúng được dự đoán là từ 200 đến 500 độ C. Bề mặt của chúng có thể được bao phủ bởi hơi nước tràn ngập khí quyển, với lớp nước lỏng nằm phía dưới. Đi xuống sâu hơn, chúng ta có thể trông đợi việc tìm thấy nước ở dạng băng áp suất cao trước khi chạm tới lõi đá rắn. Cái đẹp của mô hình này là nó giải thích được chính xác mối liên hệ giữa những thông tin đã có được về các hành tinh này."

Li Zeng nói thêm: "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy khoảng 35% số ngoại hành tinh đã biết với kích thước lớn hơn Trái Đất là những nơi nhiều nước. Những thế gới nước này có thể đã hình thành với cách thức tương tự như lõi của các hành tinh khổng lồ trong Hệ Mặt Trời (Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương). Vệ tinh TESS mới được đưa lên quỹ đạo gần đây sẽ tìm ra thêm nhiều hành tinh như thế với sự hỗ trợ của các thiết bị quang phổ mặt đất. Kính thiên văn không gian thế hệ tiếp theo - kính James Webb - được kỳ vọng rằng làm rõ đặc điểm của khí quyển một số hành tinh trong số đó. Đây là một khoảng thời gian tuyệt vời đối với những điều thú vị ở những thế giới xa xôi này."

Giáo sư Sara Seager - giáo sư về khoa học hành tinh ở Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đồng thời là phó giám đốc khoa học của nhiệm vụ TESS (Transiting Exoplanet Survey Satellite - Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh bằng phương pháp quá cảnh) - cho biết: "Thật thú vị khi nghĩ tới việc những ngoại hành tinh kích thước trung bình bí ẩn này có thể là những thế giới chứa nhiều nước. Hi vọng rằng những quan sát khí quyển trong tương lai có thể hỗ trợ hoặc bác bỏ những phát hiện mới này."

Vũ Quang
Theo Science Daily