Sao Mộc cực nóng là một loại ngoại hành tinh mới mà gần đây các nhà thiên văn học đã phát hiện ra rằng chúng rải rác khắp vũ trụ. Những hành tinh khí khổng lồ vô cùng nóng này nằm ở gần sao mẹ của chúng hơn nhiều so với khoảng cách từ Sao Thủy tới Mặt Trời. Việc đó gây ra sự khóa triều khiến chúng luôn hướng cùng một mặt về phía ngôi sao. Kết quả là nhiệt độ của mặt ban ngày (mặt luôn hướng về ngôi sao) có thể vượt quá 1.900 độ C, trong khi nhiệt độ ở mặt còn lại cũng đạt khoảng 1.000 độ C. Hơn thế nữa, các Sao Mộc cực nóng có những đặc điểm khí quyển độc đáo chưa từng được phát hiện ở các loại hành tinh khác, chẳng hạn như sự vắng mặt của hầu hết các phân tử.
Cho tới nay các nhà khoa học vẫn biết rất ít về những thế giới kỳ lạ và khắc nghiệt này. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đang làm thay đổi điều đó.
Trong nghiên cứu mới, một nhóm gồm các nhà nghiên cứu quốc tế đã dựng mô hình của bốn Sao Mộc cực nóng từng được quan sát trước đây bởi hai kính thiên văn không gian Hubble và Spitzer. Qua đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng các Sao Mộc cực nóng thậm chí còn có tính hai mặt nhiều hơn so với dự đoán ban đầu.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu thấy rằng mặt ban ngày của những ngoại hành tinh này nóng đến nỗi nhiệt có thể làm phân tách hầu hết các loại phân tử thành những thành phần cấu tạo nên chúng. Và vì các phân tử bị vỡ ra, chúng không thể được quan sát thấy ngay cả với những đài quan sát hiện đại nhất của chúng ta. Việc này dẫn các nhà khoa học tới một kết luận đáng ngạc nhiên: Khí quyển mặt ban ngày của một Sao Mộc cực nóng giống với một ngôi sao hơn là một hành tinh.
Kết quả nghiên cứu này cũng giúp giải thích lý do tại sao các nhà thiên văn học chỉ phát hiện được các phân tử nước ở vùng ranh giới giữa ngày và đêm của các Sao Mộc cực nóng. Nhóm nghiên cứu thấy rằng khi hydro và oxy đi tới vùng lạnh hơn ở mặt ban đêm của các hành tinh này, chúng tái kết hợp với nhau để tạo thành nước. Tuy nhiên, vì mặt đêm quá tối để quan sát, các nhà thiên văn học chỉ phát hiện được những phân tử nước này ở ngay ranh giới ngày và đêm.
Nghiên cứ mới này không chỉ làm sáng tỏ thêm một nhóm ngoại hành tinh còn chưa được biết rõ, mà còn cung cấp một khung cơ sở có giá trị sẽ giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn những quá trình vật lý chi phối những thế giới kỳ quái này. Với sự hỗ trợ của kính thiên văn truy tìm hành tinh TESS của NASA, chúng ta sẽ sớm có thêm nhiều hiểu biết hơn.
Bryan
Theo Astronomy