Sao Thổ vẫn luôn là hành tinh ăn ảnh nhất trong Hệ Mặt Trời. Hình ảnh mới nhất này của kính thiên văn không gian Hubble cho chúng ta một góc nhìn rất đặc biệt vì nó được chụp vào thời điểm mà các vành của nó hướng gần như tối đa về phía Trái Đất.
Hubble đã quan sát hành tinh này ngày 06/06/2018, khi Sao Thổ chỉ cách Trái Đất khoảng xấp xỉ 2,2 tỷ km.
Sao Thổ đã được chụp ảnh vào ngày 27 tháng 6 khi nó nằm ở vị trí trực đối so với Mặt Trời - thời điểm hàng năm khi nó ở gần Trái Đất nhất. Mặc dù tất cả các hành tinh khí khổng lồ đều có vành đai, vành của Sao Thổ là lớn nhất và ngoạn mục nhất, trải rộng ra bán kính gấp 8 lần bán kính của hành tinh.
Các vành tuyệt đẹp của Sao Thổ ban đầu được nhà thiên văn học Hà Lan Christiaan Huygens phát hiện vào năm 1655 dưới dạng một đĩa liên tục bao quanh hành tinh. 325 năm sau, tàu không gian Voyager 1 của NASA đã bay qua Sao Thổ và xác nhận rằng đó không phải một vành liên tục mà thực tế là hàng nghìn vành nhỏ và mỏng. Một vệ tinh nào đó của Sao Thổ trong quá khứ đã phân rã thành những hạt băng nhỏ trong vành và dường như các va chạm của chúng vẫn tiếp tục ngày nay.
Trong bức ảnh này của Hubble, bạn có thể thấy những vành cơ bản mà các nhà quan sát trước đây đã xác định được. Từ ngoài vào là vành A cùng khe Encke, vùng phân cách Cassini, vành B, và cuối cùng là vành C với khe Maxwell.
Hình ảnh của Sao Thổ thay đổi theo mùa bởi trục nghiêng 27 độ của nó. Lúc này đang là mùa hè ở Bắc bán cầu của Sao Thổ và khí quyển hoạt động mạnh hơn, có thể do một chuỗi những đám mây sáng ở gần cực, tàn dư của một cơn bão đã tan. Những đám mây nhỏ ở vùng vĩ độ giữa cũng có thể được nhìn thấy. Hubble cũng đã quan sát được chi tiết một cấu trúc dạng lục giác quanh cực Bắc của hành tinh này, được xác định là do lượng gió ổn định và liên tục. Cấu trúc này đã được phát hiện lần đầu khi Voyager bay qua nó vào năm 1981.
Màu sắc của Sao Thổ tới từ hydrocarbon phí trên các tinh thể amoniac (NH3) trong các lớp mây phía trên. Những đám mây thấp hơn không nhìn thấy được là ammonium hydrosulfide (H5NS) hoặc nước. Cấu trúc dạng dải trên bề mặt hành tinh này được gây ra bởi gió và mây ở những độ cao khác nhau.
Đây là hình ảnh đầu tiên của Sao Thổ được chụp trong dự án Outer Planet Atmospheres Legacy (OPAL - di sản khí quyển của các hành tinh nhóm ngoài). OPAL đang giúp các nhà khoa học hiểu thêm về động lực học khí quyển và sự tiến hóa của các hành tinh khí khổng lồ trong Hệ Mặt Trời.
Tuấn Phong
Theo NASA