Mưa sao băng Delta Aquarids là hiện tượng diễn ra trong khoảng từ 12 tháng 7 đến 23 tháng 8 hàng năm với cực điểm rơi vào khoảng từ 27 đến 29 tháng 7. Liệu năm nay có lý tưởng với người quan sát?
Mưa sao băng Delta Aquarids được cho là kết quả để lại của sao chổi 96P Machholz - một sao chổi chu kì ngắn đã tới cận nhật lần gần đây nhất là vào năm 2017.
Vị trí trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Aquarius (như bạn có thể thấy trong tên của trận mưa sao băng). Vào khoảng từ 2h sáng cho tới trước bình minh các ngày nêu trên, bạn có thể thấy chòm sao này nằm ở bầu trời phía Nam, đó là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng. Mặc dù vậy, chòm sao Aquarius không phải là dễ xác định đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, một cách đơn giản hơn là hãy thử xác định một hình vuông lớn nằm cao hơn, được tạo thành bởi 4 ngôi sao khá sáng, đó là một phần của chòm sao Pegasus (bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một đỉnh hình vuông này là bốn sao rất sáng nếu trời đủ trong, còn nếu ở các khu vực ô nhiễm khí quyển do bụi hoặc ánh sáng thì đành tuỳ thuộc vào may mắn của bạn). Kéo dài cạnh bên phải của hình vuông này xuống phía thấp hơn một đoạn bạn sẽ gặp một ngôi sao sáng, đó là sao Fomalhaut trong chòm sao Piscis Austrinus. Khu vực trung tâm của mưa sao băng nằm cao hơn một chút so với ngôi sao sáng đó (như trong hình).
Năm 2018 này, cực điểm của Delta Aquarids sẽ trùng với thời điểm Trăng tròn, kết hợp với việc đây là một mưa sao băng chỉ cỡ trung bình - thậm chí nhỏ - nên ngay cả khi thời tiết lý tưởng, bạn sẽ không quan sát được nhiều sao băng của hiện tượng này (ngay cả khi không có ánh Trăng, số sao băng mỗi giờ vào đêm cực điểm cũng không quá 20). Dù vậy, điều đó không hẳn có nghĩa là Delta Aquarids năm nay không đáng chú ý!
Cực điểm của mưa sao băng Delta Aquarids sẽ rơi vào rạng sáng 28 và 29 tháng này. Trong khi đó, bạn đừng quên rằng rạng sáng 28 tháng 7 là lúc diễn ra nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 này. Mặt khác, chúng ta sẽ có sự bổ sung của một số sao băng đầu tiên của Perseids - mưa sao băng lớn nhất hàng năm mà cực điểm sẽ là 12-13 tháng 8 tới đây. Do đó, nếu như thời tiết lý tưởng thì rạng sáng 28 tháng 7 tới đây sẽ khá thú vị với nhiều người quan sát khi bạn có thể quan sát đồng thời nguyệt thực toàn phần trong khi Sao Hỏa sẽ ở vị trí lý tưởng nhất để quan sát kể từ năm 2003 và bên cạnh đó là một số sao băng của Delta Aquarids và Perseids.
Trở ngại thời tiết
Mặc dù một viễn cảnh đầy hấp dẫn đang đợi phía trước, nhưng người quan sát tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ sẽ bị thời tiết cản trở do những đợt mưa và mây mù mà áp thấp nhiệt đợi đang gây ra. Hình ảnh dưới đây là dự báo về tình hình thời tiết ở Việt Nam vào rạng sáng 28/7 được chụp từ weather-forcast.com. Nếu như dự báo này là chính xác, sẽ có rất ít khu vực của Việt Nam có thể quan sát những hiện tượng này (những nơi có ký hiệu Mặt Trăng trên bản đồ).
Bản đồ thời tiết của weather-forecast.com
Trong trường hợp khu vực của bạn không có mây mù hoặc mưa, hãy chọn địa điểm quan sát có góc nhìn rộng, ít ô nhiễm (bụi, ánh sáng) và đơn giản nhất là hãy tìm Mặt Trăng và quan sát trong khu vực lân cận nó.
Một mưa sao băng hấp dẫn hơn sẽ đạt cực điểm vào gần giữa tháng 8. Đó là mưa sao băng Perseids - trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm. Như trên đã nói, Delta Aquarids được bổ sung bởi những sao băng đầu tiên của Perseids, do đó đồng thời nó sẽ là một bước đệm tốt để đợi Perseids, vì đến tận thời điểm quan sát Perseids bạn vẫn sẽ thấy sự có mặt của một số sao băng từ Delta Aquarids. Khi Perseids đạt cực điểm vào gần giữa tháng 8, Mặt Trăng đã không còn gây cản trở cho việc quan sát và nếu trời không mây, bạn sẽ có cơ hội tuyệt vời để theo dõi hiện tượng này.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
- Chủ tịch VACA -