Cuối tháng này, người yêu thích quan sát bầu trời sẽ có thể quan sát nguyệt thực toàn phần. Đây là lần thứ hai hiện tượng này diễn ra trong năm 2018 này và cũng như hồi tháng 1, người quan sát ở Việt Nam có thể theo dõi toàn bộ hiện tượng này. Đặc biệt hơn, đây sẽ là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.
Giải thích hiện tượng
Nguyệt thực là hiện tượng Mặt Trăng tối hơn và có màu đỏ thẫm khi đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Bản thân Mặt Trăng không hề tự phát ra ánh sáng. Ánh sáng của nó mà chúng ta nhìn thấy là do được Mặt Trời chiếu sáng. Mặt Trăng chuyển động trên quỹ đạo quanh Trái Đất và luôn có một nửa của nó nhận được ánh sáng Mặt Trời. Những đêm Trăng tròn là những thời điểm mà Mặt Trăng đi tới vị trí quỹ đạo đối diện với Mặt Trời - tức là Trái Đất nằm giữa Mặt Trăng và Mặt Trời. Vì mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất và Mặt Trăng không trùng nhau nên vào những tháng thông thường khi Mặt Trăng đi tới vị trí này ba thiên thể không thẳng hàng với nhau. Toàn bộ phần được chiếu sáng của Mặt Trăng hướng về phía Trái Đất nên khi đó chúng ta thấy Trăng tròn và rất sáng. Mặc dù vậy, cũng có những lần Mặt Trăng tới điểm đối diện với Mặt Trời trùng với điểm giao của hai quỹ đạo, khi đó Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng (hoặc gần như thẳng hàng). Lúc này, Mặt Trăng đi vào cái bóng của Trái Đất và chỉ nhận được một phần rất nhỏ ánh sáng của Mặt Trời. Do vậy, chúng ta vẫn nhìn thấy Mặt Trăng nhưng nó tối hơn nhiều và vùng không nhận được ánh sáng chuyển thành màu đỏ thẫm.
Dù có màu đỏ như vậy, cần lưu ý rằng nguyệt thực không phải là "Trăng máu". "Trăng máu" (blood Moon) không phải một thuật ngữ thiên văn mà được nghĩ ra bởi một linh mục và chỉ sử dụng để chỉ những nguyệt thực diễn ra theo chuỗi đặc biệt - 4 nguyệt thực toàn phần liên tiếp cách đều nhau 6 tháng. Gọi nguyệt thực nói chung là "Trăng máu" là hoàn toàn sai.
Nguyệt thực gồm ba pha cơ bản là nửa tối, một phần và toàn phần. Nhiều nguyệt thực chỉ là nửa tối, khi Mặt Trăng không đi vào vùng bóng tối của Trái Đất mà chỉ đi vào vùng nửa tối nên vẫn nhận được khá nhiều ánh sáng Mặt Trời, do đó nó chỉ chuyển thành màu đỏ rất nhạt, đôi khi khó nhận ra. Một số trường hợp khác, Mặt Trăng có một phần đi vào vùng bóng tối và phần đó tối lại, có màu đỏ thẫm trong khi phần còn lại vẫn ở trạng thái nửa tối - đó là nguyệt thực một phần. Nguyệt thực toàn phần là đặc biệt nhất. Mặt Trăng sau khi đi vào vùng nửa tối sẽ bắt đầu đi vào vùng bóng tối để bước vào pha một phần, vùng một phần này lớn dần tới khi Mặt Trăng đi hoàn toàn vào vùng bóng tối của Trái Đất và bắt đầu pha toàn phần - toàn bộ Mặt Trăng có màu đỏ thẫm. Pha toàn phần có thể kéo dài từ ít phút tới hơn 1 giờ, sau đó Mặt Trăng bắt đầu đi ra khỏi vùng bóng tối, trở lại pha một phần, sau đó tiến sang pha nửa tối và cuối cùng kết thúc hiện tượng khi Mặt Trăng đi ra hẳn khỏi vùng nửa tối. Nguyệt thực ngày 28 tháng 7 mà chúng ta sẽ chứng kiến là nguyệt thực toàn phần, với pha toàn phần kéo dài 103 phút.
Đọc thêm bài: Nhật thực và nguyệt thực.
Quan sát như thế nào?
Nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày 28 tháng 7 tới đây sẽ được quan sát trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra người quan sát ở nhiều khu vực khác trên thế giới cũng có thể theo dõi hiện tượng này.
Bản đồ của Timeanddate.com cho thấy Việt Nam nằm trong khu vực quan sát được gần như trọn vẹn nguyệt thực.
Lịch trình chi tiết của hiện tượng diễn ra như sau (tính theo giờ chung cho người quan sát ở Việt Nam, rạng sáng 28/07/2018)
- 00h14: Bắt đầu pha nửa tối
- 01h24: Bắt đầu pha một phần
- 02h30: Bắt đầu pha toàn phần
- 03h21: Nguyệt thực cực đại (Mặt Trăng đi sâu nhất vào bóng tối của Trái Đất)
- 04h13: Kết thúc pha toàn phần
- 05h19: Kết thúc pha một phần
- 06h28: Kết thúc pha nửa tối (không quan sát được giai đoạn này)
Qua lịch trình nêu trên, bạn có thể thấy hai điểm cơ bản:
Thứ nhất, người quan sát ở Việt Nam sẽ không theo dõi được pha nửa tối trước khi kết thúc sự kiện do khi đó trời đã sáng và Mặt Trăng đã lặn xuống dưới chân trời. Tuy nhiên việc này không có gì đáng tiếc khi mà nguyệt thực đã kéo dài nhiều giờ và trên thực tế pha nửa tối có thể nói là không có gì đáng chú ý khi mà bạn vừa quan sát nguyệt thực toàn phần trước đó.
Thứ hai, pha toàn phần kéo dài rất lâu, tổng cộng 103 phút, khiến cho nguyệt thực lần này là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Sở dĩ có sự chênh lệch về độ dài của nguyệt thực là do bóng của Trái Đất khá lớn, nếu như Mặt Trăng chỉ đi vào phần rìa của nó thì thời gian nó nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối này để có nguyệt thực toàn phần sẽ rất ngắn. Đường đi của Mặt Trăng càng đi gần qua trung tâm của vùng bóng tối thì nó càng mất nhiều thời gian để đi qua đó và do đó nguyệt thực toàn phần càng kéo dài.
Mô phỏng cho thấy trong nguyệt thực tới đây, Mặt Trăng sẽ đi gần như qua tâm của vùng bóng tối.
Khác với nhật thực, nguyệt thực hoàn toàn không có bất cứ đe dọa nào đối với mắt của bạn nên chỉ bằng mắt thường bạn cũng có thể quan sát được đầy đủ hiện tượng này. Nếu như có một chiếc kính thiên văn, ống nhòm hoặc máy ảnh/máy quay phim có độ phóng đại quang học tương đối cao, bạn sẽ quan sát được hiện tượng này một cách thú vị hơn rất nhiều. Hãy chọn nơi quan sát có góc nhìn rộng để theo dõi được hiện tượng này một cành hoàn chỉnh.
Một điểm rất quan trọng ảnh hưởng tới việc quan sát của bạn là thời tiết. Nếu trời có mưa hoặc đơn giản là mây trực tiếp che mất Mặt Trăng thì bạn sẽ không có cơ hội quan sát. Nếu trời ít mây, có thể đôi khi Mặt Trăng bị che bớt nhưng sẽ lại ló khỏi mây và bạn sẽ cần kiên nhẫn, nhưng nếu mây mù che phủ toàn bộ bầu trời, bạn nên hủy buổi quan sát của mình hoặc tạm hoãn với hi vọng trời sẽ sớm tan mây. Nếu có thể, bạn cũng nên chọn vị trí quan sát ít ô nhiễm và ít ánh đèn để hình ảnh của Mặt Trăng rõ nét hơn.
Đây là nguyệt thực toàn phần thứ hai diễn ra trong năm nay. Lần trước, hiện tượng này đã diễn ra vào tối 31 tháng 1. Người quan sát tại một số khu vực ở Việt Nam đã theo dõi và chụp ảnh được hiện tượng như bạn có thể tham khảo Ở ĐÂY.
Sau hiện tương lần này, đối với người quan sát ở Việt Nam, chúng ta sẽ phải đợi tới tháng 5 năm 2021 để khu vực miền Nam quan sát được nguyệt thực toàn phần, còn người ở miền Bắc sẽ chỉ quan sát được pha một phần vào sự kiện năm 2021 và cần đợi tới tháng 11 năm 2022 để có thể quan sát nguyệt thực toàn phần. Nguyệt thực một phần thì phổ biến hơn, do đó lần gần nhất Việt Nam chúng ta quan sát được nó sẽ là tháng 7 năm 2019.
Tuy nhiên, như đã nói, đây là một trong những nguyệt thực đặc biệt nhất của thế kỷ 21. Vậy chúng ta hãy hi vọng rằng có được điều kiện thuận lợi để theo dõi trọn vẹn hiện tượng này.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
(Chủ tịch VACA)