Tận dụng khả năng của kính thiên văn khảo sát VST (thuộc VLT) đặt tại Đài quan sát Paranal của ESO ở Chile, các nhà thiên văn học đã chụp được hình ảnh rất chi tiết này về tinh tân Tarantula và rất nhiều tinh vân cũng như cụm sao láng giềng của nó.
Tarantula còn có tên là 30 Doradus. Nó là vùng tạo sao sáng nhất và mạnh mẽ nhất trong Cụm thiên hà Địa phương của chúng ta. Tinh vân Tarantula nằm ở phần trên của bức ảnh, trải rộng hơn 1.000 năm ánh sáng, ở khu vực chòm sao Dorado ở bầu trời phía Nam.
Tinh vân tuyệt đẹp này nằm trong Mây Magellan Lớn (LMC) - một thiên hà lùn có đường kính khoảng 14.000 năm ánh sáng và là một trong những thiên hà gần thiên hà chúng ta nhất.
Ở trung tâm của tinh vân Tarantula là một cụm sao khổng lồ trẻ có tên là NGC 2070, một khu vực bùng nổ tạo sao với một lõi đặc ký hiệu là R136, nơi có chứa một số trong số những sao nặng và sáng nhất từng được biết tới. Ánh sáng của Tarantula đã được ghi nhận lần đầu tiên bởi nhà thiên văn học người Pháp Nicolas-Louis de Lacaille vào năm 1751.
Một cụm sao khác trong tinh vân Tarantula là Hodge 301, có ít nhất 40 sao được ước tính là đã phát nổ supernova trong đó và ném khí vào khắp khu vực xung quanh. Một ví dụ về tàn dư supernova là siêu bong bóng SNR N157B, dính liền với cụm sao mở NGC 2060. Cụm sao này được quan sát lần đầu tiên vào năm 1836 bởi nhà thiên văn học người Anh John Herschel bằng một chiếc kính thiên văn phản xạ 18,6 inch đặt trên mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Ở vùng ngoài của tinh vân Tarantula, phía dưới bên phải của bức ảnh, có thể xác định được vị trí của supernova nổi tiếng SN 1987A. Đi về phía trái của Tarantula, bạn có thể thấy một cụm sao mở rất sáng là NGC 2100 với nhiều sao xanh bao quanh bởi các sao đỏ. Cụm sao này đã được khám phá bởi nhà thiên văn học James Dunlop người Scotland vào năm 1826 khi đang làm việc tại Australia với một chiếc kính phản xạ 9 inch mà ông tự chế tạo.
Ở trung tâm của hình ảnh là một cụm sao và tinh vân phát xạ NGC 2074, một vùng tạo sao lớn khác mà John Herschel đã phát hiện. Nhìn gần hơn vào đó bạn có thể phát hiện ra một cấu trúc bụi tối có hình dạng như một con cá ngựa, nó được gọi là "Cá ngựa của Mây Magellan Lớn". Đây là một cấu trúc khổng lồ dạng cột kéo dài khoảng 20 năm ánh sáng - gần 5 lần khoảng cách từ Mặt Trời tới ngôi sao gần chúng ta nhất là Alpha Centauri. Cấu trúc này sẽ biến mất trong khoảng 1 triệu năm tới khi nhiều cụm sao hơn hình thành, ánh sáng và gió của chúng sẽ chậm rãi thổi bay các cột bụi.
Hình ảnh này thu được nhờ máy ảnh 256 megapixel đặc biệt của VST có tên là OmegaCAM. Hình ảnh mà bạn thấy được chụp qua bốn lần lọc màu khác nhau, mà một trong số đó là để phân tách ánh sáng đỏ từ hydro bị ion hóa.
Tuấn Phong
Theo Science Daily