Exoplanets

Các nhà khoa học mới thông báo về sự tồn tại của 15 ngoại hành tinh mới - trong đó có một "siêu Trái Đất" có thể có nước lỏng - chuyển động quanh những ngôi sao nhỏ và lạnh gần Hệ Mặt Trời. Các sao này là những sao lùn đỏ - loại sao đang thu hút được sự quan tâm lớn đối với việc tìm hiểu sự hình thành và tiến hóa hành tinh.

Một nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Teruyuki Hirano ở Bộ phận Khoa học Trái Đất và Hành tinh thuộc Viện công nghệ Tokyo đã xác nhận 15 ngoại hành tinh có quỹ đạo quanh các sao lùn đỏ.

Một trong những sao lùn đỏ sáng nhất là K2-155 nằm cách chúng ta khoảng 200 năm ánh sáng. Ngôi sao này có ba siêu Trái Đất được xác định, chúng đều lớn hơn hành tinh của chúng ta một chút. Hành tinh ngoài cùng trong số đó là K2-155d có bán kính 1,6 lần Trái Đất, có thể nằm trong vùng sống được của sao mẹ.

Những phát hiện này đã được công bố trên hai bài báo của Astronomical Journal, được thực hiện dựa trên dữ liệu từ nhiệm vụ K2 của kính thiên văn không gian Kepler và nối tiếp bởi các quan sát của các kính mặt đất gồm kính Subaru ở Hawaii và kính NOT (Nordic Optical Telescope) ở Tây Ban Nha.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng K2-155d có khả năng có nước lỏng trên bề mặt của nó dựa trên các mô phỏng 3D về khí hậu toàn cầu của nó. Hirano tỏ ra rất vui mừng, ông nói: "Trong các mô phỏng của chúng tôi, khí quyển và thành phần của hành tinh khá giống Trái Đất."

Một ước tính chính xác hơn về bán kính và nhiệt độ của sao K2-155 sẽ là cần thiết để kết luận chắc chắn rằng liệu K2-155d có phải một hành tinh sống được hay không. Để có sự chính xác như vậy đòi hỏi thêm nhiều nghiên cứu xa hơn.

Một kết quả quan trọng thu được từ nghiên cứu hiện tại là các hành tinh chuyển động quanh các sao lùn đỏ có thể có những tính chất tương tư đáng chú ý so với các hành tinh chuyển động quanh những sao dạng Mặt Trời.

"Cần nhấn mạnh rằng số lượng hành tinh quanh các sao lùn đỏ ít hơn nhiều so với số lượng ở các sao dạng Mặt Trời," Hirano nói. "Các hệ sao lùn đỏ, đặc biệt là những sao lùn đỏ lạnh nhất, chỉ vừa mới bắt đầu được nghiên cứu, vậy nên chúng là những mục tiêu rất đáng chú ý cho việc nghiên cứu ngoại hành tinh trong tương lai."

Chẳng hạn, trong khi sự thiếu hụt trong khoảng bán kính của các hành tinh quanh các sao dạng Mặt Trời (gần như không tìm thấy hành tinh có bán kính từ 1,5 đến 2 lần Trái Đất) đã được báo cáo trước đây, các nhà khoa học đã cho thấy sự thiếu hụt tương tự đối với các hành tinh quanh các sao lùn đỏ. "Đây là một phát hiện độc đáo, và nhiều nhà thiên văn lý thuyết bây giờ đang điều tra xem thứ gì gây ra sự thiếu hụt đó," Hirano nói.

Ông bổ sung rằng cách giải thích khả dĩ nhất cho sự thiếu hụt các hành tinh lớn như vậy là sự bốc hơi quang học, làm mất đi những lớp ngoài của khí quyển hành tinh.

Các nhà nghiên cữu cũng điều tra mối liên hệ giữa bán kính hành tinh và độ kim loại của sao mẹ. "Các hành tinh lớn chỉ được phát hiện quanh các sao giàu kim loại," Hirano nói, "và những gì chúng tôi tìm thấy phù hợp với dự đoán. Chỉ ít hành tinh có bán kính khoảng 3 lần Trái Đất được tìm thấy quanh những sao lùn đỏ giàu kim loại nhất."

Với việc NASA sẽ phóng vệ tinh khảo sát hành tinh quá cảnh (TESS) vào tháng 4 năm nay, Hirano hi vọng rằng sẽ có thêm nhiều hành tinh mới được phát hiện.

R.T
Theo Science Daily