Dirac

Paul Dirac (1902-1984) là nhà vật lý có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của khoa học nói chung và vật lý nói riêng trong thế kỷ 20. Ông có nhiều nghiên cứu về cấu trúc nguyên tử, về cơ học lượng tử và đóng góp cho sự dung hòa của thuyết tương đối và thuyết lượng tử. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra mô hình hiện đại của phản vật chất trong vũ trụ.

Năm 1933, Dirac được trao giải Nobel Vật lý ở tuổi 31 và cho tới nay vẫn là một trong những người trẻ nhất từng nhận giải thưởng này. Ông cũng từng là người giữ chiếc ghế Lucas - danh hiệu cao quý nhất của Đại học Cambridge, trong lịch sử hơn 350 năm mới chỉ có 19 người có được danh hiệu này, trong đó có cả những nhân vật quen thuộc với thiên văn học như Isaac Newton và Stephen Hawking.

Bên cạnh tài năng, Paul Dirac còn được biết tới là một nhà khoa học rất ít nói và đặc biệt đề cao tính chính xác - ngay cả với những vấn đề xã hội.

Dirac ít nói tới mức các đồng nghiệp của ông ở Cambridge từng đùa vui bằng cách đặt ra một đơn vị gọi là "dirac", 1 dirac = 1 từ/giờ. Ông hoàn toàn không hứng thú với thơ văn và còn chỉ trích nhà vật lý Oppenheimer vì ông này rất thích thơ. Dirac nói: "Mục tiêu của khoa học là làm cho những vấn đề khó trở nên dễ hiểu, còn mục tiêu của thơ là nói những thứ đơn giản bằng một cách không thể hiểu được. Hai thứ đó không hòa hợp được với nhau."

 

Một giai thoại kể rằng vào năm 1929, một lần Dirac đi cùng với Werner Heisenberg (1901-1976, người đoạt giải Nobel vì "sáng lập ra cơ học lượng tử") trên chuyến tàu tới Nhật Bản để dự một hội nghị khoa học. Dirac rất ít nói và không hề thích giao tiếp, nhất là với người lạ, còn Heisenberg lại rất thích tán tỉnh và nhảy múa với phụ nữ. Dirac thấy lạ nên hỏi người bạn của mình:

- Tại sao anh lại nhảy?

- Khi có những cô gái đáng yêu, đó luôn là niềm vui. - Heisenberg trả lời.

Sau một lát ngẫm nghĩ, Dirac hỏi lại:

- Nhưng này, Heisenberg, làm thế nào anh biết trước là các cô gái đáng yêu?

(Chú thích: Nguyên gốc từ "đáng yêu" là "nice", có thể hiểu là "đẹp" hay "tử tế" đều được, do đó ý nghĩa của từ đó đối với Heisenberg và Dirac có thể hơi khác nhau. Khi nói "nice girls" thì gần như bất cứ ai cũng hiểu là "những cô gái đẹp" hay "những cô gái đáng yêu", nhưng với người đặc biệt như Dirac thì ông có thể hiểu là "tốt đẹp" hay "tử tế")

...

 

Một lần khác, sau một bài thuyết trình của Dirac, một người giơ tay và nói:

- Tôi không hiểu phương trình ở phía trên bên phải của bảng.

Sau một hồi im lặng, người điều phối chương trình đành phải hỏi Dirac xem ông có định trả lời câu hỏi đó không. Lúc này Dirac nói:

- Đó đâu phải câu hỏi, đó là một lời bình luận!

...

 

Một câu chuyện khác cho biết Richard Feynman (1918-1988, Nobel vật lý năm 1965) từng có một cuộc đánh cược với một người khác rằng ông sẽ buộc Dirac phải nói ra quá hai từ trong cùng một lần mở miệng. Sau mấy giờ liền nói chuyện mà không cách nào khiến Dirac nói gì, Feynman nói với Dirac về vụ cược đó, và thế là Dirac mỉm cười và nói: "Anh thua rồi." (You've lost)

VACA

Tham khảo: Facinate.com , Wikipedia (En)

 

Đọc thêm bài: Phản hạt và phản vật chất.